Hà Nội: Hòa giải thành công 81% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở

Nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, cũng như tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên trên địa bàn TP.
Sở Tư pháp TP phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở năm 2022 tại huyện Mỹ Đức
Sở Tư pháp TP phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở năm 2022 tại huyện Mỹ Đức

“Tổ hòa giải 5 tốt” đạt tỷ lệ 58%

UBND TP đã ban hành Công văn 1074/UBND-NC về việc hướng dẫn về công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022, trong đó hướng dẫn đánh giá Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.

Vừa qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội đã tổ chức giao ban đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Phạm Thị Thanh Hương cho biết, theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, trong 6 tháng đầu năm, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 1.949 vụ vụ việc, số vụ hòa giải thành là 1.460 vụ, đạt tỷ lệ 81%, số vụ việc chưa giải quyết xong là 158 vụ.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã tham mưu UBND TP chỉ đạo Báo Kinh tế và Đô thị cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật và Xã hội tới các Tổ hòa giải của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở, giúp cho các Hòa giải viên có điều kiện học hỏi kinh nghiệm hòa giải, góp phần tăng tỷ lệ hòa giải thành các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân.

Bên cạnh đó, chuyên mục Hòa giải ở cơ sở của Trang Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã đẩy mạnh đăng tải tin, bài viết về gương người tốt việc tốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, câu chuyện hòa giải trong thực tế cuộc sống góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và vị thế của hòa giải viên trên địa bàn TP Hà Nội.

TP cũng chỉ đạo củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hòa giải, tổ trưởng và các hòa giải viên. Đến nay, toàn TP có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên, trong đó có 2.941 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 58%).

Các đơn vị tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giả̉i ở cơ sở và có tỷ lệ hòa giả̉i thành cao đạt trên 90% gồm các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa. Bên cạnh đó, một số đơn vị tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ thấp dưới 80% là: Thạch Thất, Mê Linh, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì, Tây Hồ.

Kiến nghị thay đổi mức chi trong công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở

Theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương. Số vụ việc phát sinh tiếp nhận hòa giải tiếp tục giảm.

Như ở quận Thanh Xuân, ngay từ đầu năm UBND quận đã giao Phòng Tư pháp đôn đốc UBND 11 phường trên địa bàn tăng cường công tác hòa giải cơ sở. Chú trọng thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Nhờ đó, công tác hòa giải được duy trì ổn định và có hiệu quả. Năm 2021, trên địa bàn quận có 155/155 Tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận phát sinh 6 vụ, việc, hòa giải thành đạt 100%.

Còn ở quận Long Biên, công tác hòa giải cơ sở được quận sát sao, trên cơ sở thực hiện Đề án, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để hòa giải kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan Nhà nước giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.

Do đó, quận đã chỉ đạo 14 phường rà soát, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, đăng ký “Tổ hòa giải 5 tốt”, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 300 hòa giải viên mới kiện toàn và hội viên Hội Luật gia quận. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận phát sinh 46 vụ việc mâu thuẫn và đã hòa giải thành 45 vụ (đạt 97,8%).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn khó khăn do kinh phí hỗ trợ cho công tác này thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài chính sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 về một số mức chi trong công PBGDPL và hòa giải ở cơ sở theo đề xuất của Sở Tư pháp TP.

Đồng thời, Bộ Tư pháp cần sớm có văn bản hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục công nhận mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Trường hợp trên địa bàn không phát sinh mâu thuẫn vụ việc hòa giải trong việc công nhận hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu thống kê hòa giải ở cơ sở chi tiết hơn ở lĩnh vực đất đai, xây dựng làm cơ sở để nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, do đây là những vực được xã hội ngày càng quan tâm.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cũng đề nghị Thành ủy sớm ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 25/11/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.