Ý nghĩa mô hình “phòng gym 0 đồng”

Mô hình “phòng tập” ngoài trời tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên, nhà văn hóa…đã và đang trở thành hình ảnh thân thuộc của người dân Thủ đô. Không chỉ là “điểm hẹn” rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cổ vũ phong trào thể thao cộng đồng.
Người dân phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình tập luyện tại “phòng tập” thể thao ngoài trời. 	Ảnh Mộc Miên
Người dân phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình tập luyện tại “phòng tập” thể thao ngoài trời. Ảnh Mộc Miên

Khác xa với các phòng tập gym hiện đại, bao quanh là bốn bức tường lắp đặt toàn máy tập và hệ thống điều hòa, các “phòng gym 0 đồng” ngoài trời mang tới cho người dân tinh thần thư thái, chan hòa với khung cảnh thiên nhiên. Đều đặn vào mỗi buổi sáng hay xế chiều, tại khuôn viên vườn hoa, công viên, nhà văn hóa,… mô hình “phòng gym 0 đồng” thu hút đông đảo người dân đến tập luyện thể dục.

Người già thì sử dụng các thiết bị nhẹ nhàng như đi bộ trên không, đạp xe vòng xoay. Các bạn thanh niên trẻ tuổi thì lại thích thú dụng cụ tập cơ bụng, đùi, ép cơ chân, xà đơn, xà kép. Điều đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, dù “cháy” thiết bị tập nhưng không hề xảy ra tình trạng chen chúc, xô đẩy. Mỗi người đều thể hiện tinh thần văn minh, ứng xử văn hóa.

Thông thường, mỗi “phòng gym 0 đồng” có từ 15-20 thiết bị các loại được đặt ở vị trí công viên hay vườn hoa, nơi không gian rộng rãi, thuận tiện cho hoạt động luyện tập của người dân. Ngoài một số thiết bị luyện tập hiện đại được Nhà nước trang bị thì phần lớn các thiết bị đều được cư dân khu phố đầu tư, lắp đặt theo hình thức xã hội hóa từ mô hình “Dân vận khéo”. Mặc dù xuất hiện vài năm gần đây, nhưng mô hình “phòng gym 0 đồng” ngoài trời mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Từ hiệu quả của phong trào cộng đồng, năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về xây dựng, lắp đặt các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ Nhân dân giai đoạn 2022-2025. TP đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.500 điểm lắp đặt thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời (trong đó giai đoạn 2014-2021 đã có 1.280 điểm).

TP sẽ trực tiếp đầu tư mỗi quận một điểm; mỗi huyện, thị xã từ hai đến ba điểm luyện tập thể thao ngoài trời; cấp quận, huyện, thị xã sẽ đầu tư, lắp đặt tối thiểu mỗi tổ dân phố, thôn, khu chung cư, khu công nghiệp có một điểm. Danh mục thiết bị được phân loại nhóm thiết bị dưỡng sinh, nhóm thiết bị rèn luyện thể lực.

Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao khu phố, mô hình “phòng gym 0 đồng” không chỉ là nơi thu hút đông đảo người dân tập luyện, nâng cao sức khỏe, còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng dân cư. Và hình ảnh không phải ở đâu miễn phí cũng xô đẩy, chen lấn mà thể hiện văn hóa, nếp sống văn minh nơi công cộng. Đúng với tiêu chí trong thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

16 năm miệt mài đưa kiến thức pháp luật đến với mọi nhà 16 năm miệt mài đưa kiến thức pháp luật đến với mọi nhà

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.