Cần có biện pháp khống chế giá thịt lợn, thực phẩm

Thời gian vừa qua, giá lợn hơi tăng cao khiến giá thịt lợn thành phẩm tăng từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm khác đều đồng loạt tăng giá khiến người dân bị đẩy vào áp lực lạm phát.
Cần có biện pháp khống chế giá thịt lợn, thực phẩm
Cần có biện pháp khống chế giá thịt lợn, thực phẩm

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tháng 7, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc tiếp tục biến động từ 69.000 – 72.000 đồng/kg. Hàng ngày, người nội trợ “chóng mặt” vì giá thịt tăng cao cùng các loại thực phẩm khác. Hiện nay, giá thịt ba chỉ tăng lên mức 145.000 – 150.000 đồng/kg, thịt sấn mông giá 140.000đ/kg.

Không chỉ giá thịt lợn tăng cao, do thời tiết nắng nóng nên tiền điện nước sinh hoạt của mỗi gia đình cũng tăng đột ngột. Điều này gây áp lực khiến nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Gia đình tôi thời gian này gặp nhiều khó khăn nên cũng phải tìm cách tiết giảm chi tiêu ở mức tối thiểu. Thịt lợn đắt nên cả nhà ít mua hơn và chuyển sang ăn rau, cá, thịt gà... Tuy nhiên, các loại thực phẩm này cũng tăng giá so với trước đây. Thịt gà công nghiệp trước đây ở mức 70.000 đồng/kg, nay tăng lên 80.000 đồng/kg. Rau muống trước đây chỉ có giá 10.000 đồng/ 1 mớ, nay tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/1 mớ.

Nhưng nguyên nhân chính đẩy giá thịt lợn tăng cao là do phía Trung Quốc đẩy mạnh thu mua thịt lợn để dự trữ cho cuối năm. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh cũng góp phần đẩy giá thịt lợn lên cao.

Tôi cho rằng, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ nguồn cung, điều hành linh hoạt và dự báo cung – cầu sát với thực tế. Thời gian qua, việc thiếu hụt thịt lợn dẫn đến đẩy giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống Nhân dân và gây áp lực lên lạm phát. Người dân mong muốn, các cơ quan chức năng có biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Đồng thời, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo cơ quan cấp trên các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân chăn nuôi lợn cần tiếp tục tập trung thúc đẩy tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, khẩn trương tái đàn theo mô hình khép kín an toàn sinh học, bảo đảm tổng đàn lợn đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mong rằng, giá thịt lợn và thực phẩm sẽ trở về mốc bình ổn, góp phần giảm áp lực lạm phát cho người dân.

Giải pháp bình ổn giá thịt lợn
Ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển lợn qua biên giới
Thực hiện ngay biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn, bình ổn giá
Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian, ổn định giá thịt lợn trên thị trường

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.