Vụ cướp tiệm vàng ném ra đường ở TP Huế: Người "hôi của" không giao nộp có bị xử lý?

Diễn biến vụ cướp tiệm vàng đang gây chú ý của dư luận trong ngày 31/7 tại TP Huế có chi tiết: Nghi phạm cướp tung vàng ra đường, nhiều người dân đã nhặt số vàng bị cướp. Trong trường hợp nếu người nhặt được số vàng là tang vật vụ án ấy không giao nộp lại, vấn đề pháp lý liên quan sẽ ra sao?
Vụ cướp tiệm vàng ném ra đường ở TP Huế: Người
Số vàng được để lại tại hiện trường vụ án

Vào khoảng 12h30' ngày 31/7, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào 2 tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi, đường Trần Hưng Đạo (khu vực trước chợ Đông Ba, TP Huế) nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp vàng.

Toàn bộ số vàng cướp được, đối tượng ném ra đường gần khu vực chợ Đông Ba. Thời điểm này, rất đông người dân đã dừng lại để nhặt vàng. Mặc dù nghi phạm đã bị bắt giữ ngay sau đó, tuy nhiên, số vàng cơ quan điều tra thu hồi lại không đầy đủ.

Ngay sau đó, Công an TP Huế đã có thông báo đề nghị người dân nhặt được vàng có liên quan đến vụ cướp bằng súng tại chợ Đông Ba phải giao nộp cho cơ quan công an. Việc này nhằm phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan công an, cũng như hoàn trả cho bị hại sau khi quá trình hoàn tất. Những trường hợp không trả lại tài sản liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với những người dân nhặt vàng của nghi phạm ném ra, ý kiến từ các luật sư cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi cơ quan chức năng ra thông báo, người dân cần trả lại số tài sản này nhằm tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy đến.

Việc một số người dân có hành động “hôi vàng” do nghi phạm cướp vàng ném ra đường mà cố tình không trả lại tàn sản cho chủ sở hữu hoặc cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người khác. Đây là hành vi đáng lên án, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào số vàng đã nhặt.

Vụ cướp tiệm vàng ném ra đường ở TP Huế: Người
Hiện trường vụ cướp tiệm vàng tại TP Huế

Luật sư Lê Đức Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trường hợp người dân nhặt được vàng mà không giao nộp lại cho cơ quan điều tra được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản".

Theo đó, đối tượng chiếm giữ trái phép vàng có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; giá trị vàng bị chiếm giữ trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

Dưới góc độ hành chính, trích dẫn Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, những người nhặt được vàng nếu không trả lại có thể bị xử phạt về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Khung hình phạt là phạt tiền 2-3 triệu đồng.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" quy định:

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Bắt giữ đối tượng nghi nổ súng AK cướp tiệm vàng Bắt giữ đối tượng nghi nổ súng AK cướp tiệm vàng

Chiều 31/7, Công an tỉnh TT-Huế đã bắt giữ nghi phạm gây ra vụ cướp táo tợn tiệm vàng ở chợ Đông Ba (TP Huế).

Đề nghị người dân trả lại vàng do tên cướp ném ra đường Đề nghị người dân trả lại vàng do tên cướp ném ra đường

Chiều 31/7, Công an TP Huế có thông báo đề nghị người dân trả lại vàng do nghi phạm Ngô Văn Quốc cướp tại tiệm ...

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.