Những hiệu quả từ cải cách tư pháp tại Hà Nội

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, bám sát Chương trình số 33-CTr/BCĐ, ngày 05/01/2022 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Thành ủy Hà Nội, ban hành chương trình công tác CCTP của cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện và đạt được kết quả toàn diện.
Những hiệu quả từ cải cách tư pháp tại Hà Nội
Một buổi trợ giúp pháp lý của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tại huyện Thường Tín

Cụ thể, các cơ quan tư pháp của thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCTP của cấp mình, ngành mình theo đúng yêu cầu, mục đích, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trên các mặt công tác như Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được đảm bảo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, các văn bản sau thẩm định được đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của UBND thành phố Hà Nội; chủ động chỉ đạo, tổ chức xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi), để cương dự thảo Luật Thủ đô, xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời.

Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cũng được triển khai sâu, rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác cải cách hành chính của các cơ quan tư pháp thành phố được đẩy mạnh; hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, chưa phát hiện dấu hiệu oan, sai; bảo đảm thực hiện đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ngoài ra, chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực: Tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt cao (87,6%); các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh (đạt 98,2%), vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Bộ Công an đề ra. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố bị can đúng tội đạt 100%...

Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được các cơ quan tư pháp thành phố khẩn trương tập hợp, nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị chung, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Đáng chú ý, các cơ quan tham gia Quy chế phối hợp liên ngành đã thực hiện tốt chế độ báo cáo việc tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời trao đổi, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phân loại, xử lý các loại tố giác, tin báo về tội phạm…

TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã triển khai thủ tục hòa giải, đối thoại và đẩy mạnh hoạt động hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý hồ sơ vụ việc.

Quan hệ phối hợp công tác giữa Công an với Viện kiểm sát nhân dân, TAND hai cấp của thành phố cũng luôn đảm bảo chặt chẽ theo Quy chế phối hợp liên ngành phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử luôn được tiến hành thống nhất; công tác thi hành án dân sự, hành chính; kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính tăng về số việc và số tiền; công tác đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp được quan tâm, đầu tư, cấp kinh phí kịp thời.

Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp của thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số tồn tại như: Việc giải quyết án hành chính còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ giải quyết thấp; một số xã, phường chưa thực sự quan tâm, bố trí đủ cán bộ tư pháp chuyên trách theo quy định; công tác trưng cầu giám định tại các cơ quan ngoài ngành Công an còn nhiều vướng mắc, thời gian trả kết quả chậm, ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ án,...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy, các ngành, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả về trọng tâm công tác CCTP năm 2022; các cơ quan tư pháp hai cấp thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng đến kho vật chứng của các cơ quan tư pháp, trụ sở công an xã, phường, thị trấn, hỗ trợ kinh phí, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TAND và Viện kểm sát nhân dân hai cấp thành phố.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp số 01/QC-LN ngày 21/4/2017 giữa 10 sở, ngành thành phố trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nâng cao vai trò luật sư trong tiến trình cải cách tư pháp
Hà Nội: TAND 2 cấp hoàn thiện mô hình hành chính tư pháp "một cửa" liên thông
Hoạt động bổ trợ tư pháp góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.