Vai trò của loa phường

Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh, thông tin, tuyên truyền nói chung và tại cơ sở nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ đô và từng địa phương. Trong đó, đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở phát huy hiệu quả trong việc giúp người dẫn tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Duy trì loa phường, kênh hữu hiệu đưa thông tin thiết yếu, hiệu quả đến người dân 			ảnh: Văn Biên
Duy trì loa phường, kênh hữu hiệu đưa thông tin thiết yếu, hiệu quả đến người dân. ảnh: Văn Biên

Vận hành thân thiện với người dân

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Loa phường đã và đang có vai trò thông tin tuyên truyền then chốt trong hệ thống thông tin cơ sở. Qua các giai đoạn khác nhau, hệ thống phát thanh cơ sở đều có những hình thức điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp. Đây là hình thức khác với loại hình truyền thanh khác nên không thể thay thế được.

Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương thông tin, Hà Nội chưa bao giờ dừng hệ thống loa phường, mà chỉ điều chỉnh cách vận hành, nội dung thông tin để loa phường thực sự đưa thông tin thiết yếu hiệu quả đến với người dân. Do đó, thông tin TP Hà Nội khôi phục lại hệ thống loa phường là chưa chính xác.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, mấy ngày qua, mạng xã hội nhắc đến loa phường nhưng thông tin không khách quan. Hiện trong khu vực nội thành chỉ phát 15 phút/buổi, 1 ngày không quá 2 buổi, trừ ngày lễ, dịch bệnh, 1 tuần phát 5 ngày, trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh và yêu cầu của chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng yêu cầu thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng, đều được hệ thống đài cơ sở truyền tải đầy đủ và được người dân ghi nhận...

Trước thông tin được dư luận và báo chí quan tâm sau khi TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ngày 21/7 về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP. Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ, thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý.

Thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, TP Hà Nội đã yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có truyền thanh cơ sở, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân.

Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP. Các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Kế hoạch bám sát Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 7/9/2021 của Bộ TT&TT ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến TP, cấp huyện, cấp xã.

Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 7/9/2021 của Bộ TT&TT ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch của TP đề ra các nhóm nhiệm vụ đồng bộ là: Thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, trang thông tin điện tử cấp xã, bảng tin điện tử công cộng; hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện; thiết lập Hệ thống thông tin nguồn TP Hà Nội để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn; tăng cường ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng mạng xã hội để tương tác với người dân; thiết lập Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của TP Hà Nội, bảo đảm kết nối, liên thông Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở ở Trung ương; hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền; phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.

Trong đó, các đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet theo quy định tại Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ TT&TT; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Trước dư luận quan tâm về "số phận" loa phường, mới đây, Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP Hà Nội bám sát chủ trương nhất quán từ Chính phủ là giúp người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến người dân về loa phường
Lý do Hà Nội tiếp tục khảo sát về sắp xếp lại loa phường
Hà Nội: Hơn 70% người dân ủng hộ bỏ loa phường
Hệ thống loa phường phát huy hiệu quả trong tuyên truyền phòng bệnh Corona
Từ nay đến 2025: "Công nghệ hóa" hệ thống loa phường của Hà Nội sẽ diễn ra thế nào?

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.