Trung Quốc cảnh báo Mỹ "đừng đùa với lửa"

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm nhằm duy trì và làm sâu rộng các kênh liên lạc giữa hai cường quốc này, đồng thời quản lý có trách nhiệm các bất đồng và phối hợp nơi hai nước có chung lợi ích.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ

Cuộc đối thoại trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, ngày 28/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm. Đây là cuộc điện đàm thứ 5 giữa lãnh đạo Mỹ-Trung, trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang tiếp tục căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ kinh tế, thương mại cho tới chính trị.

Cuộc điện đàm được thực hiện sau cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo hai nước ngày 18/3 và một loạt các cuộc làm việc giữa các quan chức cấp cao hai nước.

Hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề quan trọng đối với quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và toàn cầu khác đồng thời giao nhiệm vụ cho các nhóm chuyên trách tiếp tục phối hợp trong các nội dung thảo luận, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh y tế.

Tân Hoa xã dẫn lời của Chủ tịch Trung Quốc nói với Tổng thống Mỹ rằng "ai chơi với lửa thì sẽ bị bỏng tay. Tôi hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều đó".

Theo Reuters, ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc kiên định với vấn đề Đài Loan và kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.

Trong khi đó, ông Biden cho biết chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi. Theo ông, Washington phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ hai bên cần phối hợp nhằm giảm leo thang ở các điểm nóng trong khu vực, giúp chấm dứt đại dịch Covid-19 trên thế giới sớm nhất có thể, giảm nguy cơ lạm phát đình trệ và suy thoái, và duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc và trật tự quốc tế làm trung tâm.

Theo Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - John Kirby, cuộc điện đàm đã được lên kế hoạch trong một khoảng thời gian dài và sẽ có nhiều nội dung để hai bên cùng thảo luận.

Châu Âu nhất trí kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng, giá khí đốt vượt mốc 2.000 USD
Nga chuyển hướng triển khai lực lượng về phía Nam

LS

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.