Từ nay đến 2025: "Công nghệ hóa" hệ thống loa phường của Hà Nội sẽ diễn ra thế nào?

Theo Kế hoạch số 200/KH-UBND vừa ban hành, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Từ nay đến 2025:
Kế hoạch 200 nêu rõ TP sẽ phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối, thống nhất từ trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã

Đây là kế hoạch nhằm thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP Hà Nội.

Các mục tiêu phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, TP phấn đấu đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Trước đó vào năm 2017, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến người dân để quyết định số phận loa phường. Thời điểm đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Tuy nhiên, sau đó, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường ở các huyện, xã; giảm dần tại các quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và sẽ lắp đặt ở những vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân. Sau đó TP ban hành đề án sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, TP.

Thành phố cũng tổ chức thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh (có tên M-GATEWAY, tương tự modem wifi) tại bốn phường thuộc ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy, với kỳ vọng thiết bị sẽ thay thế được loa phường. Tuy nhiên, đến nay các thiết bị này đều bỏ không.

Trong hai năm đại dịch Covid-19 từ 2020-2021, các phường đã khôi phục hệ thống loa phường như trước để phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch.

Kế hoạch 200 nêu rõ TP sẽ phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối, thống nhất từ trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã, trong mối liên hệ tổng thể đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác, phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường đến đời sống kinh tế-xã hội. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của thành phố; thúc đẩy phát triển Thủ đô và đất nước…

Đối với cấp huyện, đến năm 2023, 100% trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao cấp huyện cơ bản có đủ trang thiết bị và nhân lực thực hiện hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ. Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn TP.

Cấp TP, đến năm 2023, có hệ thống thông tin nguồn TP để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn, bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin nguồn trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập. Đến năm 2025, 100% sở, ngành thuộc TP và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn TP.

Trong thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông. Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Cùng với đó, TP còn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại; hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền; phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.

Cụ thể, trong vòng 3 năm tới, mỗi năm, 25-30% số đài truyền thanh có dây hoặc không dây FM phải được chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Việc này thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi trước những dải hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư.

Về vận hành, nhân lực làm việc ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện sẽ được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh giản, dần chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung, tập trung sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện bao gồm phát thanh, cổng thông tin điện tử, bảng tin điện tử...

Từ nay đến 2025:
Trong vòng 3 năm tới, mỗi năm, 25-30% số đài truyền thanh có dây hoặc không dây FM phải được chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông

Kinh phí thực hiện kế hoạch trên được bố trí từ ngân sách thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và nguồn kinh phí đối ứng của thành phố và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định.

Vào tháng 3/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung tại đề án sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. UBND quận, huyện, thị xã được yêu cầu chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn quyết định số lượng loa và cụm loa phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân trên địa bản tiếp nhận thông tin thiết yếu qua đài truyền thanh cơ sở.

Theo kế hoạch này, hệ thống phát thanh cơ sở thuộc cấp quận sẽ phát tối đa hai buổi sáng chiều/ngày, tần suất 5 ngày/tuần, tối đa 15 phút/buổi. Hệ thống phát thanh cơ sở thuộc cấp huyện, thị xã sẽ phát tối đa hai buổi sáng chiều, 5 ngày/tuần và thời lượng tối đa 45 phút/buổi bao gồm cả thời lượng tiếp sóng đài cấp trên. Vào thứ bảy, chủ nhật, các hệ thống trên chỉ phát thanh khi có trường hợp đặc biệt.

Lý do Hà Nội tiếp tục khảo sát về sắp xếp lại loa phường
Hệ thống loa phường phát huy hiệu quả trong tuyên truyền phòng bệnh Corona
Kỳ 4: Hiệu quả của loa phường trong phòng, chống dịch Covid-19

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.