Hà Nội: Từng bước đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái

Ông Chu Xuân Kiên, Cục Trưởng Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, Cục QLTT TP Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thời gian qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp

Liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, ngày 27/6, Đội Quản lý thị trường số 20 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy (Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo Giáp Hằng (ở cụm 8, xã Tam Hiệp).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này đang bày bán 1.500 chiếc áo chống nắng Lascote có dấu hiệu giả mạo nhãn hiện đang được bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cơ sở cho biết số hàng hóa được mua trôi nổi trên thị trường.

Ngoài số hàng trên, chủ cơ sở còn đặt mua và gửi hàng nghìn chiếc áo chống nắng nhãn hiệu Louis Vuitton và Adidas tại cửa hàng kinh doanh quần áo Huế Hưng (tại thôn 7, xã Tam Hiệp). Đội Quản lý thị trường số 20 tiếp tục kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo Huế Hưng ở địa chỉ trên. Qua kiểm tra, thu giữ tại cửa hàng 1.494 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Louis Vuitton, 1.012 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Adidas không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Đầu tháng 6, Đội Phòng ngừa đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP Hà Nội) đã làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là hàng nghìn gói phụ gia thực phẩm Baking Soda của cơ sở kinh doanh “Tổng kho An Hưng” (ở liền kề 6-26, khu đô thị An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông), do Bùi Thị Mến (sinh năm 1987, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông) làm chủ.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ hình sự đối với Bùi Thị Mến để điều tra, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng trong tháng 6/2022, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại xã Thanh Thùy (Thanh Oai) đã phát hiện gần 7.000 chiếc khóa và phụ kiện giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH Kin Long Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/6/2022, Đội QLTT số 1 khi kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại ngõ 785 đường Nguyễn Khoái (Hoàng Mai) đã phát hiện 17.900 lít thuốc trừ cỏ do Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt như LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480… của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn và Công ty CP giải pháp công nghiệp Tiên Tiến.

Trên đây chỉ là những vụ việc gần đây có tính điển hình được lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, hằng ngày, hàng giờ, các đối tượng vẫn tìm cách để tuồn hàng giả vào thị trường để qua mắt lực lượng chức năng, phục vụ người tiêu dùng “chưa thông thái”.

Theo cơ quan chức năng, điểm chung của những sản phẩm hàng giả, hàng nhái này đều được các đối tượng chủ mưu và chia nhau chào bán trên mạng xã hội cho những người có nhu cầu. Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống, hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế số, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến.

Nếu trước đây đa số là doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử (website) để bán hàng, thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức lại sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... để bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó, việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến việc quản lý lĩnh vực này của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Cần chế tài đủ mạnh

Ông Ngô Anh Hiếu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 20 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, cùng là kinh doanh trực tuyến nhưng nguồn gốc hàng hóa bán qua mạng xã hội đang có phần “mập mờ” hơn so với hàng bán trên sàn thương mại điện tử. Nguyên nhân là bởi, sàn thương mại điện tử buộc phải có công cụ chặn lọc hàng giả, hàng lậu, hàng nhái theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, mạng xã hội chưa có cơ chế kiểm soát điều này, lượng khách hàng tiếp cận lại rất đông đảo.

Theo ông Ngô Anh Hiếu, sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng thường được bán với giá rẻ hơn hàng chục lần so với hàng chính hãng. Vì lợi nhuận nên các đối tượng vẫn ngang nhiên sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Cùng với đó, chính tâm lý ham đồ rẻ nhưng vẫn muốn dùng “hàng hiệu” của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, khiến hàng giả vẫn có “đất sống” và len lỏi vào thị trường.

Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu thường hoạt động vào ban đêm, thường xuyên thay đổi tuyến đường vận chuyển, thời gian, địa điểm tập kết hàng hóa nên việc phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập trên mạng trong thời gian qua thực sự đang báo động. Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính. Chính vì vậy, đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần sự chung tay của toàn xã hội. Để từng bước đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả trên mạng cần có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước và từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhẹ, trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần. Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn…

Ông Chu Xuân Kiên, Cục Trưởng Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, Cục QLTT TP Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục QLTT Hà Nội cũng phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị… trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng quy chế, tổ chức ký cam kết không để loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường. "Mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao", ông Chu Xuân Kiên khẳng định.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.