“Thử thách” của một phóng viên thường trú

Một ngày tháng 3 năm 2016, khi đang là PV công tác ở tòa soạn Pháp luật & Xã hội tại Hà Nội – trong dịp ăn cưới một đồng nghiệp cơ quan, tôi được lãnh đạo tòa soạn đưa ra ý kiến, tới đây tòa soạn điều chuyền cậu về Vĩnh Phúc nhận nhiệm vụ PV thường trú địa bàn, cậu thấy thế nào?
“Thử thách” của một phóng viên thường trú

Những hình ảnh tác nghiệp của PV thường trú địa bàn Vĩnh Phúc

Thay đổi môi trường tác nghiệp

Từ một PV bình thường ở tòa soạn, công việc của tôi mỗi ngày chỉ là đi lấy tin bài, tác nghiệp các sự kiện thời sự, khai thác các thông tin nóng, phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề chính sách đang thu hút sự quan tâm của dư luận… Tôi đã quen với nếp làm việc của mình, nên khi được lãnh đạo tòa soạn đưa ra ý kiến về việc điều chuyển tôi về Vĩnh Phúc, một địa bàn mới, làm PV thường trú, như vậy quả thực là sự bất ngờ với tôi. Nhận thấy sự do dự trong tôi, lãnh đạo tòa soạn cũng động viên, cậu cứ về suy nghĩ một hai hôm rồi trả lời.

Những ngày sau đó, tôi luôn suy nghĩ về việc này, nếu về Vĩnh Phúc thực ra cũng có điều thuận lợi cho tôi trong việc đi lại di chuyển, bởi nhà tôi ở Phúc Yên, và mỗi sáng tôi thường dậy lúc 5h sáng vệ sinh cá nhân xong, là di chuyển xuống Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ tin bài, phục vụ bạn đọc. Tôi thường đi sớm như vậy, để tránh tắc đường, chứ nếu cứ 7h mới từ nhà đi xuống Hà Nội, thì kiểu gì cũng gặp cảnh tượng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng - Cầu Giấy.

Còn chiều trở về nhà, thì “thong thả” hơn, tôi có thể tránh giờ cao điểm, tan tầm, để trở về nhà muộn một chút - do về muộn, không muốn mọi người phải đợi cơm, tôi thường ghé vào quán cơm bình dân gọi cho mình một suất, chỉ những hôm nào về sớm tôi mới gọi điện báo cho gia đình biết việc sẽ ăn cơm ở nhà để chuẩn bị.

Thuận lợi hơn về di chuyển đi lại thì rõ rồi, nhưng nhiệm vụ của PV thường trú cũng sẽ có những khó khăn thử thách hơn so với việc tôi đã quen với nếp làm việc của một PV tại tòa soạn Hà Nội - tôi có nhiều đồng nghiệp, mà thời gian làm việc chúng tôi đã tạo thành ê-kíp rất ăn ý với nhau và có thể chia sẻ thông tin, phối hợp cùng nhau hiệu quả.

Về địa bàn mới, tôi sẽ mất thời gian có khi hàng năm mới có thể xây dựng các mối quan hệ, đối tác, đồng nghiệp để thuận lợi cho công việc của mình. Việc này cũng làm tôi e ngại, nhưng trước sự tin cậy động viên của lãnh đạo tòa soạn, sau mấy ngày cân nhắc, tôi đã quyết định nhận nhiệm vụ về làm PV thường trú địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và ngày 15/4/2016 tôi được lãnh đạo cơ quan chính thức có quyết định điều chuyển, cảm xúc của tôi thời điểm đó, vừa lo lắng và cả bâng khuâng.

Vĩnh Phúc là một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội rất cao, giao thông đi lại thuận tiện, vị trí lại gần Thủ đô Hà Nội - nơi có hoạt động báo chí vô cùng sôi động, hoạt động báo chí tại địa bàn sẽ ngày càng sôi động theo đòi hỏi của sự phát triển. Cho nên tôi xác định, lựa chọn thông tin thể hiện trong bài viết cần xác đáng, đảm bảo trung thực, khách quan.

“Thử thách” của một phóng viên thường trú

Các “nguyên tắc” không thay đổi…

Quá trình hoạt động, với vai trò là PV thường trú, tôi luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn, nội quy định của cơ quan, thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí. Bám sát hoạt động chính trị của địa phương; tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân hiểu về pháp luật - xuyên suốt về tư tưởng, ủng hộ đường lối chủ trương của tỉnh tới TP, huyện, xã, phường; tuyên truyền để người dân biết được quyền lợi của mình - hiểu rõ về nghĩa vụ của mình, khi tỉnh, TP thực hiện triển khai các dự án, các công trình xã hội, công trình phúc lợi dân sinh… Đặc biệt, không đứng (phiến diện) về phía người dân - phản đối chủ trương của tỉnh, của TP.

Từ nhận thức ấy, tôi thực hiện theo hướng “chủ đạo” là nhiệm vụ chính trị - tuyên truyền ủng hộ chủ trương của địa phương, phản ánh tích cực về các chính sách pháp luật đối với người dân trên địa bàn. Cũng từ đó, tôi tin tưởng rằng từ ngày tôi nhận nhiệm vụ đến nay, trong mắt lãnh đạo của tỉnh, TP, các huyện, xã, cơ quan ban ngành… đều dành cho PV thường trú ấn phẩm Pháp luật và Xã hội của báo Kinh tế & Đô thị nhiều thiện cảm và sự tôn trọng.

Qua thực tế hoạt động, tôi đã viết hàng nghìn tin, bài phản ánh đầy đủ các hoạt động sự kiện chính trị, kinh tế, VHXH, thời sự nổi bật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà đã được thể hiện trên ấn phẩm PL&XH. Trong các bài phản ảnh của PV thường trú, đã thể hiện tinh thần giá trị “cốt lõi” của tập thể tòa soạn, đồng hành cùng bạn đọc, tiếp cận công lý - bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, tuyên dương những điển hình tiên tiến... Do vậy ngày càng được nhiều bạn đọc tin cậy, hợp tác; Lãnh đạo tỉnh và TP đã đánh giá cao.

Bên cạnh những bài viết tuyên truyền, tôi cũng có những loạt bài viết phê phán những việc làm chưa được tại địa phương. Dẫu là phê phán, tôi cũng bám sát chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn, thể hiện nội dung chính xác, khách quan trên tinh thần chân thành xây dựng để người bị phê phán nhận thức được hành vi sai trái của mình có hướng khắc phục.

Đặc biệt, trong năm 2021 loạt bài 6 kỳ về xây dựng trái phép trên đất rừng tại xã Ngọc Thanh triển khai từ tháng 7/2021, đã được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra xử lý - đến đầu năm 2022, UBND TP Phúc Yên đã ra quyết định cưỡng chế đối với công trình sai phép này; Loạt bài 5 kỳ phản ảnh về sự xuống cấp xập xệ của Tập thể in nhãn Thành phố Phúc Yên, được cư dân rất ủng hộ đồng tình, đề tài này lọt vào top những bài viết chất lượng cao, được Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc khen thưởng, động viên.

Những kết quả trên dẫu còn nhỏ bé, không có gì đáng kể, nhưng cũng phần nào thể hiện sự nỗ lực của bản thân tôi, trong việc bám sát chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn; đồng thời bám sát những định hướng tuyên truyền từ Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin truyền thông Vĩnh Phúc, trong quá trình xây dựng đề tài, triển khai tác nghiệp.

Sỹ Hào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.