Tổ thư ký tòa soạn

Nơi neo giữ ký ức ân tình nghề báo

Với người làm báo, Phòng Thư ký tòa soạn là đầu mối tập hợp các dữ liệu thông tin của PV từ nhiều nguồn khác nhau để “chế tác” ra tác phẩm báo chí đạt chất lượng tốt, tiếp cận bạn đọc sâu rộng. Dẫu công việc bận rộn, thăng trầm vui buồn, nhưng với chúng tôi, Phòng Thư ký tòa soạn là nơi neo giữ những ký ức ân tình nghề báo mỗi khi nhớ về.
Nơi neo giữ ký ức ân tình nghề báo

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh, phụ trách Ban PL&XH, trao đổi nghiệp vụ với TKTS Ban PL&XH.

“Bận như con mọn”

Thấm thoắt, tôi về làm việc tại Phòng Thư ký tòa soạn đã được 10 năm. Nhớ những ngày đầu tiên, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn lúc đó là đồng chí Nguyễn Xuân Khánh và các đồng nghiệp trẻ đã nhiệt tình giúp đỡ để tôi nhanh chóng bắt nhịp vào nghề báo.

Công việc của một biên tập viên thật sự “bận như con mọn”. Mỗi ngày, lượng tin, bài được các PV gửi về mail khá lớn. Biên tập viên trực mail lấy xuống sau đó chia ra để biên tập. Mỗi tin, bài luôn được các biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn biên tập cẩn thận trong từng câu chữ.

Là tờ báo chính thống, các bài viết liên quan đến bạn đọc, pháp luật, nên khi gặp chi tiết có biểu hiện chứng cứ “mờ”, các biên tập viên Trịnh Linh, Thanh Hoàng, Thùy Linh đều truy xuất nguồn cẩn thận để chất lượng bài biên tập đảm bảo độ chính xác cao. Không chỉ biên tập bài của PV gửi về, các thành viên của Phòng Thư ký tòa soạn như Trí Dũng, Chí Tùng, Vy Anh còn có khả năng viết bài cho các chuyên mục, theo các loạt bài phóng sự và sản xuất tin nóng ngay khi có yêu cầu từ trưởng phòng.

Sau đó, đồng chí Đỗ Thị Phương Hoa được giao trách nhiệm phụ trách Phòng Thư ký tòa soạn. Chúng tôi đã có buổi chia tay trưởng phòng cũ và đón tân trưởng phòng thật ấm áp, thân tình. Không ít lần, chúng tôi thực hiện số báo đặc biệt trong khi vẫn phải đảm bảo sản xuất báo ngày. Bài, tin, ảnh, quảng cáo PV gửi về liên tục, cả phòng tập trung cao độ, làm quên giờ giấc.

Trưởng phòng Xuân Khánh cũng bám sát từng trang bông bài in ra. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ cần một người làm việc xao nhãng, vô trách nhiệm sẽ kéo theo hậu quả khôn lường.

Các biên tập viên của báo điện tử như anh Hùng Sơn, Minh Quang, Hoài Phương, Khánh Huyền, Cao Kỳ cũng thật vất vả. Anh chị em phải chia ca, thay phiên trực liên tục để đảm bảo dòng thông tin luôn mới lạ, thông suốt. Bắt kịp xu thế truyền thông, các họa sĩ Thanh Tuấn, Hoài Nam, Minh Quân không chỉ thiết kế báo in mà còn sản xuất những tác phẩm báo chí chất lượng cao trên báo điện tử.

Những tác phẩm E-Magazine được thiết kế theo phong cách tạp chí hiển thị toàn màn hình, bài viết chất lượng cao về ý tưởng, thiết kế, giúp người đọc trải nghiệm phiên bản online trên cả máy tính và điện thoại.

Để tạo sự lan tỏa nhanh, mạnh hơn nữa, Thư ký tòa soạn có thêm Tổ sản xuất video để phản ánh các vấn đề nóng của xã hội. Sản xuất video đòi hỏi các PV phải “tinh thông” nhiều nghiệp vụ mới.

Mỗi người trong tổ sản xuất video đều tự trau dồi, nâng cao kỹ năng bản thân để đáp ứng yêu cầu của công việc. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, các video của nhóm PV như Đức Hùng, Lê Vân, Công Phương, Đình Tuệ, Khánh Huy thu hút sự chú ý với nhiều lượt xem. Mỗi người đều có mặt mạnh, sở trường riêng và họ sẵn sàng hỗ trợ nhau một cách nhiệt tình để đảm bảo video được phát sóng đúng “giờ vàng”.

Nơi neo giữ ký ức ân tình nghề báo

Các thành viên của Tổ TKTS.

Chiến thuật “tòa soạn ảo”

Thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, Hà Nội “phong thành”, thực hiện lệnh cách ly toàn thành phố, chúng tôi đã xuất bản báo in thành công qua tòa soạn ảo. Các thành viên không phải đến cơ quan mà làm việc tại nhà, mọi dữ liệu, thông tin xử lý, thiết kế file đến, file đi đều thực hiện trên tòa soạn ảo. Sự biến chuyển đột phá trong cách làm báo này đòi hỏi mỗi thành viên phải trau dồi các kỹ năng nghiệp vụ mới thật tinh thông.

Những ngày đó, Phó Trưởng ban PL&XH, phụ trách Thư ký tòa soạn Phương Hoa đã luôn đồng hành cùng các thành viên trong phòng, chỉ đạo sát sao trên nhóm làm việc từ sáng đến lúc file cuối cùng chuyển nhà in. Khi có người bị nhiễm Covid-19, Phương Hoa lập tức có phương án dự phòng để không bỏ trống bất kỳ “mắt xích” nào.

Chúng tôi đã cùng nhau phối hợp làm việc nhóm từ xa với sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao và tình đồng đội hỗ trợ nhau một cách kịp thời trong mọi tình huống. Sản xuất báo in đảm bảo đúng tiến độ trong khi thực hiện cách ly trong đại dịch thật sự là những ký ức khó quên với chúng tôi.

Có một điều khá thú vị ít người nhận ra, đó là, đằng sau ánh hào quang của những tác phẩm báo chí đạt giải thấp thoáng bóng dáng của các biên tập viên, họa sĩ. Không ít lần, chúng tôi thật sự xúc động khi đọc dòng tin nhắn cảm ơn của các bạn PV gửi đến Thư ký tòa soạn khi đã đặt lại tít, trích “box” tạo điểm nhấn, sửa lỗi kỹ lưỡng khiến chất lượng bài viết được nâng cao. Chúng tôi cảm thấy vui vì anh em PV ghi nhận những cống hiến thầm lặng của Thư ký tòa soạn.

Thời gian trôi, một số thành viên Thư ký tòa soạn giờ đã chuyển công tác. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi thường ôn lại tháng ngày làm việc bên nhau với những ngày mưa, tháng nắng vui buồn chuyện nghề, chuyện đời. Nhớ những câu chuyện đùa tếu táo “bá đạo” của Trí Dũng, Nguyễn Việt khiến anh chị em cười ngả nghiêng. Nhớ anh Hùng Sơn thâm trầm, sâu sắc. Nhớ biên tập viên dễ thương Huyền Trang với giọng nói véo von, nụ cười tươi rói mang niềm vui đến mọi người mỗi sáng.

Nhớ Chí Tùng, Đình Tuệ làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp. Tôi tin rằng, dẫu đi bao xa, thời gian trôi bao lâu, mỗi thành viên Phòng Thư ký tòa soạn sẽ mãi nhớ về mái nhà chung với những tình cảm ấm áp thân thương.

Tổ Thư ký tòa soạn có một thành viên khá đặc biệt, đó là chú Trịnh Tùng. Chú là cộng tác viên với công việc soát lỗi trên các bản “bông”. Cách làm việc tập trung, nhiệt tình, cẩn trọng trong từng câu chữ của chú đáng để lớp trẻ chúng tôi học tập.

Vy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.