Con được quyền thất bại

Thất bại chỉ là một khúc ngoặt, chứ không phải ngõ cụt. Cho con được quyền thất bại cũng là cách để con trưởng thành, học thêm được nhiều bài học quý giá, giúp con bản lĩnh hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách đây vài ngày, câu chuyện của hai mẹ con tại một quán ăn khiến tôi không khỏi xúc động. Người mẹ liên tục giục con trai mình ăn nhưng cậu bé buồn bã, rơm rớm nước mắt. Hóa ra, cậu vừa biết điểm thi vào lớp 10 của mình, bị thiếu 2 điểm nên không thể đỗ vào trường mình mong muốn. Người mẹ động viên con: “Mẹ biết là con đã cố gắng hết sức rồi. Thế nên không có gì phải hối hận cả. Không học trường này thì học trường kia. Con không phải lo”.

Anh hàng xóm gần nhà tôi cũng có cô con gái năm nay thi vào lớp 10. Lực học của cháu không được tốt nhưng đổi lại, cô bé lại có năng khiếu vẽ rất đẹp. Theo lời cô bé, bố không bao giờ tạo áp lực cho con, luôn động viên con cố gắng và đặc biệt anh rất tôn trọng sở thích vẽ cũng như ước mơ làm họa sĩ của con. Anh chia sẻ bản thân đã phải làm công tác tư tưởng trước cuộc thi cho con. Anh nhắn nhủ con: “Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra nên nếu con có không đạt kết quả tốt trong kỳ thi thì cũng không sao cả. Tương lai của con vẫn rất rộng mở, nhất là khi quyết tâm theo đuổi đam mê hội họa của mình. Lúc nào bố cũng ở bên cạnh, đồng hành cùng con”.

Mùa thi là mùa của những lo lắng, hồi hộp, bởi kết quả thi có ảnh hưởng lớn đến con đường phía trước của các em học sinh. Không phủ nhận vẫn còn những ông bố, bà mẹ ra “tối hậu thư” cho con phải thi đỗ vì nếu không bố mẹ không lo được chi phí học tập của con ở trường tư, hay con mà không đỗ thì xấu mặt bố mẹ,…Nhưng, tôi nghĩ hiện nay, những ông bố, bà mẹ đó không nhiều. Đứng tại cổng trường thi, tôi được nghe nhiều câu chuyện của các phụ huynh. Có người động viên con không học quá khuya, còn “bắt” con đi ngủ vì sức khỏe quan trọng hơn. Có người vạch sẵn kế hoạch cho con học trường khác nếu như con không đỗ, kể cả tốn kém, họ cũng cố gắng lo cho con. Có người lạc quan bảo: Nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học vĩ đại từng thất bại nhiều lần mới đạt được thành công nên nếu con có không đỗ thì đó cũng không phải là điều bất thường. Không sao hết, miễn là con cố gắng để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay.

Ai cũng mong con cái học giỏi, đỗ đạt nhưng học lực của các cháu không giống nhau, mỗi cháu có thế mạnh, sở trường riêng. Chúng ta không nên so sánh con mình với bạn bè vì điều đó sẽ làm cho các cháu tự ti và dễ có tâm lý chán nản, áp lực.

Thất bại chỉ là một khúc ngoặt, chứ không phải ngõ cụt. Cho con được quyền thất bại cũng là cách để con trưởng thành, học thêm được nhiều bài học quý giá, giúp con bản lĩnh hơn. Bởi người ta thường học được nhiều điều ở thất bại của bản thân hơn là nhìn vào thành công của người khác. Có nhiều con đường để đi đến thành công, quan trọng là các con không đầu hàng, bỏ cuộc. Cho dù có vấp ngã thì các con hãy mạnh mẽ đứng lên, lau khô nước mắt và bước tiếp. Khi các con đã nỗ lực hết mình thì sẽ không phải nói hai từ hối hận. Hãy nhớ rằng, đằng sau những bước chân các con đi luôn có bố mẹ dõi theo, yêu thương và ủng hộ.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.