Phúc thẩm sai phạm xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Không ngoan cố, chỉ mong HĐXX xem xét đúng bản chất"

Chiều 11/7, phiên toà phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ sai phạm tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
Các bị cáo tại toà chiều nay.

Không có việc gọi điện thoại chỉ đạo

Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, từ cuối năm 2015, ông đã yêu cầu tất cả quận, huyện, sở ngành của Hà Nội dừng các dự án về công nghệ thông tin, để rà soát, xây dựng hệ thống dùng chung cho toàn thành phố. Mục đích nhằm để sử dụng có hiệu quả nguồn tiền từ ngân sách thành phố, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát.

Đến tháng 2/2016, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội về việc bổ sung hai nội dung vào kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu số hóa.

Trong hơn một giờ tóm tắt nội dung kêu oan được viết tay trong 58 trang giải trình gửi HĐXX cấp phúc thẩm trước phiên xét xử, cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định, không có việc gọi điện thoại chỉ đạo cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ đình chỉ mở gói thầu số hóa quản lý doanh nghiệp, kéo dài thời gian, tạo điều kiện để Cty Nhật Cường dự thầu và trúng 2 gói thầu vào các năm 2016 và 2017.

Ông Chung cho biết, sau phiên sơ thẩm, trong những lần làm việc với luật sư, ông Chung đã yêu cầu được nghe lại lời khai của ông Tứ vì trong phiên sơ thẩm, do thời điểm đó, mình bị cách ly khỏi phiên trả lời chất vấn của ông Tứ.

“Tôi đối chiếu lời khai của anh Tứ với lời khai của tôi thì về cơ bản là trùng khớp, chỉ lệch duy nhất một điều, đó là lý do dừng thầu tiên quyết. Anh Tứ nói anh ấy dừng thầu do tôi đề nghị đưa vào công nghệ scan mới ưu việt hơn của Nga. Tôi khẳng định lúc đó tôi chưa hề biết hay đề cập đến công nghệ này, mà phải 2 tháng sau, tức 14/8/2016, tôi mới biết và đề cập. Anh Tứ khai như vậy tôi không chấp nhận”, ông Chung nói.

Về lý do đình chỉ mời thầu ngay phút chót, ông Chung khai, do hồ sơ mời thầu của Sở KH&ĐT chưa đạt yêu cầu. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thực tế trước đó đã rất nhiều yêu cầu Sở này phải dừng các dự án về công nghệ thông tin, “chứ không phải đến khi đó mới yêu cầu ông Tứ dừng mở thầu”.

Theo đó, ông Chung nêu, trong cuộc họp ngày 18/2/2016 về chỉ đạo công nghệ thông tin của TP, ông đã nêu, kết quả của toàn bộ việc số hóa phải đạt được hai điều, tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP Hà Nội.

Yêu cầu thứ hai, toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của Hà Nội. Nhưng thực tế, ông Chung nói một ngày trước khi Sở KH&ĐT mở thầu, khi gọi điện cho ông Tứ, ông Tứ vẫn trả lời “chưa bổ sung hai nội dung này vào hồ sơ mời thầu”.

“Đây mới chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi yêu cầu anh Tứ phải đình chỉ mời thầu vào sáng 16/5/2016, chứ không phải “dọn đường” cho ai”, cựu Chủ tịch Hà Nội phân trần.

Mong toà cân nhắc công, tội

Như lời ông Chung, ngay khi các điều tra viên của CQCSĐT – Bộ Công an tiến hành hỏi cung bị can, ông đã kêu oan. Theo quy định tại khoản 4 Điều 138 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, KSV phải tiến hành hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan. Tuy nhiên, KSV – VKSND TC đã không thực hiện việc này.

“Bản án sơ thẩm có nêu: “Trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều ra về vụ án liên quan đến Cty Nhật Cường do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc, bị can Nguyễn Đức Chung còn có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước dẫn đến bị kết án tại Bản án số 468, ngày 11/12/2020 của TAND TP Hà Nội… Rõ ràng, việc tôi đã có vi phạm về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” đã được TAND TP Hà Nội xét xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng HĐXX sơ thẩm của phiên toà lại đưa và xem xét là vi phạm Điều 14 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015” – lời ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Chung cũng lý giải, không có điểm gì ngoan cố, chỉ mong HĐXX xem xét đúng bản chất, cân nhắc công, tội và được đối xử bình đẳng như những người khác trước pháp luật. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận trách nhiệm của người đứng đầu TP và Trưởng ban Công nghệ thông tin.

Trước đó, bà Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT Hà Nội, bị cáo buộc sửa đổi hồ sơ mời thầu và ký quyết toán 100% cho Nhật Cường dù Cty này mới chỉ hoàn thành 45% công việc.

Giải thích lý do kháng cáo, bà Tuyến cho rằng, đã cố gắng thực hiện công việc trong phạm vi trách nhiệm nhưng công nghệ và đấu thầu không phải lĩnh vực chuyên môn của mình, khó khăn xuất phát từ vấn đề công nghệ, nên đã xảy ra sai phạm, song không cố ý.

"Bị cáo không hề biết hành động của mình sẽ gây hậu quả lớn như vậy. Thực tế trong dịch Covid-19 vừa qua, các hoạt động liên quan đăng ký thông tin doanh nghiệp của Hà Nội đã được thực hiện online, đó là thành quả có tiền đề từ những công việc bị cáo và đồng nghiệp đã thực hiện được", bà Tuyến khai.

Còn bị cáo Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội nói, nhận thức chưa thực hiện đúng trách nhiệm, song bị cáo phân trần, đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không tư lợi, "không làm sai quy định mà chỉ chịu sức ép, chỉ đạo từ cấp trên".

Trong đơn giải trình, ông Chung cho hay, từ năm 2015, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung. Nổi bật là phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; quản lý giáo dục; dịch vụ công cấp phường; cơ sở dữ liệu chung về dân cư...

Việc này, ông Chung đánh giá, người dân "được nhiều hơn mất". Hơn nữa, UBND TP Hà Nội còn sắp xếp lại từ 3 phòng đăng ký kinh doanh xuống một, giảm nhiều viên chức.

Từ các giải trình như trên, cựu Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị tòa xem xét thấu đáo các vấn đề để có bản án "thấu tình đạt lý".

Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Toà chấp nhận đề nghị giảm án của VKSND
Giảm án với 3 bị cáo vì hậu quả vụ án được khắc phục hoàn toàn
Xem xét kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Nhật Nam - Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.