Chương trình số 04-CTr/TU:

Phát triển mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội khảo sát việc thực hiện tiêu chí NTM tại huyện Chương Mỹ
Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội khảo sát việc thực hiện tiêu chí NTM tại huyện Chương Mỹ

Đề ra 3 mục tiêu chính

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra 3 mục tiêu chính. Đó là, xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát: Xây dựng NTM cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, NTM phồn vinh, văn minh và hiện đại...

Cùng với đó, Chương trình số 04-CTr/TU cũng đặt vấn đề về phát triển nông nghiệp nhưng so với Chương trình số 02-CTr/TU của giai đoạn trước, Chương trình lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng NTM là căn bản, nông dân là chủ thể. TP tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị...

Hà Nội củng cố hoạt động và thành lập mới các HTX; phát triển kinh tế trang trại bền vững, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

3 nhóm chỉ tiêu

Gắn với 3 mục tiêu, Chương trình số 04-CTr/TU đề ra 3 nhóm chỉ tiêu tương ứng cụ thể như: Đến năm 2025, TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mói nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt 2,5 - 3%; Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; Đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đtạ 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%...

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đối với xây dựng NTM, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Theo đó, Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; xây dựng NTM theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021 - 2025... Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020)...

Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp...

Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia BHXH...

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý Nhà nước

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.