Vụ sập giàn giáo làm 4 người tử vong ở Hà Nội:

Tòa kiến nghị xử phạt các tổ chức, cá nhân liên quan

TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vừa ra phán quyết với 3 bị cáo trong vụ sập giàn giáo làm 4 người chết ở công trình 16A Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Cụ thể, tòa tuyên: Nguyễn Nhật Lộc, SN 1980, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, 6 năm 3 tháng tù; Đường Văn Kiểm, SN 1988, quê Vĩnh Phúc, 5 năm tù; Phạm Văn Chiến, SN 1996, quê Thái Nguyên, 6 năm tù. HĐXX nhận định, đây là vụ án vi phạm quy định về an toàn lao động rất nghiêm trọng, hậu quả vụ án là 4 người tử vong. Do đó, việc xét xử phải đảm bảo công minh, chính xác, đúng người, đúng tội, vừa mang tính trừng phạt vừa mang tính giáo dục chung. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh các bị cáo là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

Liên quan đến vụ án, các bị cáo, đại diện gia đình bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… đã tự giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Đến nay không ai có yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự, nên tòa không giải quyết. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị Thanh tra Sở LĐ- TB&XH Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với những lỗi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ án đối với các trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tòa kiến nghị Viện Đào tạo ESC Việt Nam phải kiểm điểm rút kinh nghiệm trong vấn đề bảo quản Hồ sơ đào tạo của Viện Đào tạo ESC Việt Nam.

Theo cáo trạng, khoảng 20h ngày 30/7/2020 tại công trình xây dựng số 16A Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, xảy ra vụ tai nạn lao động, làm 3 người bị tử vong tại chỗ, một người được đưa đi cấp cứu tại BV và sau đó tử vong. Đây là những người được thuê lao động thời vụ, dọn vệ sinh tại công trình này. Công trình 16A Nguyễn Công Trứ xây dựng dự án tòa nhà Văn phòng do Cty CP Du lịch thương mại và đầu tư là chủ đầu tư công trình. Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại An Nam (Cty An Nam) được thuê để lắp đặt hạng mục vách ngăn khu nhà vệ sinh.

Ngày 30/7/2020, anh Trương Xuân Trung, Trưởng phòng kỹ thuật xây dựng, Cty An Nam, cử Nguyễn Nhật Lộc là nhân viên kỹ thuật đến công trình 16A Nguyễn Công Trứ sắp xếp công việc chuyển vật tư (là các tấm vách ngăn bằng nhựa để lắp đặt vào khu vệ sinh). Lộc khảo sát và thấy chỉ có thể chuyển vật tư từ tầng 1 lên sàn tầng 7 nên đã nhờ các mối quan hệ để liên hệ với Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến (nhân viên tại công trường) để mượn Gondola (giàn giáo treo) vận chuyển vật tư. Kiểm và Chiến không trực tiếp điều khiển Gondola mà hướng dẫn nhóm người lao động thời vụ dọn vệ sinh điều khiển thiết bị này.

Quá trình vận hành, khi Gondola lên đến tầng 7 thì bị gẫy ở đoạn giữa Gondola khiến vật tư cùng 4 người rơi xuống tầng 1. Ba người bị tử vong tại chỗ còn một người được đưa đi cấp cứu tại BV và tử vong sau đó.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Lộc, Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ra vụ tai nạn lao động khiến 4 người tử vong.

Khoản 3, Điều 3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a và b, khoản 1 điều này được tính như sau:

a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Sập giàn giáo, lực lượng cảnh sát cứu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát
Vụ sập giàn giáo tại số 170 Phạm Văn Đồng: Công trình chưa được cấp phép, đang đổ bê tông mái tầng 1
Sập giàn giáo công trình xây dựng ở Bắc Ninh, 2 công nhân tử vong
Sập giàn giáo công trình nhà hàng, 4 người thương vong

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.