Triển khai Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án:

6 tháng đầu năm, TAND TP Hà Nội hoà giải, đối thoại thành công hơn 1000 vụ việc

Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Ngay sau khi Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực, các đơn vị thuộc TAND TP Hà Nội đã tiến hành lựa chọn nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như phổ biến các quy định của pháp luật, cũng như những kĩ năng trong quá trình hoà giải, đối thoại cho các Hoà giải viên. Đến nay 27/31 đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành và rút đơn cao:

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm hoà giải, đối thoại thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội tiếp nhận 4.085 đơn khởi kiện; đã tiến hành hoà giải, đối thoại với 3.330 đơn trong đó có 1.073 đơn hoà giải, đối thoại thành, 389 đơn người khỏi kiện rút đơn. Tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành và rút đơn trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 43,90%.

Trong 6 tháng đầu năm, tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhưng TAND hai cấp của TP cũng đã giải quyết được 14.404 vụ việc các loại trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm ủng hộ, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, điển hình như vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai…

6 tháng đầu năm, TAND TP Hà Nội hoà giải, đối thoại thành công hơn 1000 vụ việc
Các bị cáo trong phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai

Bên cạnh đó, vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết; một số đơn vị vấn còn chậm triển khai Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án, chưa triển khai được xét xử trực tiếp vì những nguyên nhân như nhiều đơn vị thuộc TAND cấp huyện gặp khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Để triển khai xét xử trực tuyến các vụ án hình sự, dân sự, hành chính theo yêu cầu của Quốc hội và TAND Tối cao thì nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận hành hệ thống xét xử trực tuyến là rất cấp thiết.

Trước thực trạng hoạt động như trên, TAND TP Hà Nội đã có kiến nghị Quốc hội rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật như: quy định tại Điều 60 Luật tố tụng hành chính hay thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự cho phù hợp thực tiễn, bố trí kinh phí , đầu tư cơ sở vật chất , trang thiết bị, phương tiện làm việc để tạo điều kiện giúp TAND các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng và các vụ án được dư luận quan tâm:

Trong 6 tháng cuối năm, TAND TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình chuẩn bị xét xử; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, áo dụng các hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của NN. Chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên toà nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Trong công tác giải quyết án dân sự, hành chính: khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn kiện, án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Tăng cường truyên truyền, phổ biến Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án đến cá nhân và tổ chức, từ đó đẩy mạnh hoạt động hoà giải, đối thoại trước khi Toà án thụ lý hồ sơ vụ việc. Kịp thời ghi nhận và báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc, theo đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Chủ động phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp trong các hoạt động giám định, định giá tài sản làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ án; Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được VKS kiến nghị và kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm, nhất là các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của TAND; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để giải thích, đính chính.

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.