Khi doanh nghiệp xin bỏ loạt tuyến buýt trong mạng lưới VTHKCC:

Sớm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mạng lưới xe buýt phát triển bền vững

Trong bối cảnh khó khăn chưa từng có của hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) do ảnh hưởng “kép” của dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao. Các cơ quan chức năng của TP cần xem xét nguyên nhân để có giải pháp trước mắt và lâu dài, đảm bảo VTHKCC bằng xe buýt của TP có thể phát triển bền vững, bởi đây vẫn là phương tiện công cộng quan trọng bậc nhất của Thủ đô.
Đây đều là các tuyến buýt có trợ giá và mang tính xã hội cao, nên dù bất kỳ lý do gì, cũng không thể dừng hoạt động
Đây đều là các tuyến buýt có trợ giá và mang tính xã hội cao, nên dù bất kỳ lý do gì, cũng không thể dừng hoạt động

Trước đó, vào sáng 2/7, toàn bộ cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Chi nhánh Cty TNHH Bắc Hà đã nhận được thông báo do ông Nguyễn Kim Cương, GĐ Chi nhánh Cty TNHH Bắc Hà ký về việc dừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đó, quyết định dừng ngay hoạt động vận tải để đảm bảo cân đối nguồn tài chính đủ chi trả các khoản: tiền lương, tiền phép, hỗ trợ… đối với cán bộ nhân viên, các khoản công nợ các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu, dịch vụ… trích nộp đầy đủ tiền BHXH để người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm, lương thất nghiệp, chốt năm công tác khi dừng hợp đồng lao động trước thời hạn.

Được biết, Cty Bắc Hà là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND TP Hà Nội từ năm 2005 đến nay. Sau gần 17 năm hoạt động, Cty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe buýt số hiệu 41, 42, 43, 44, 45.

Tuy nhiên, trải qua 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, theo đơn vị này, do không có doanh thu nhưng Cty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.

Ông Cao Bá Trung, đại diện tư vấn, hỗ trợ pháp lý Cty TNHH Bắc Hà cho biết, việc dừng khai thác 5 tuyến buýt tương đương 57 đầu xe là quyết định rất khó khăn của Cty. Năm trước, Cty đã đặt vấn đề với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội nhưng được động viên làm tiếp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty rất khó khăn về tài chính, đã cạn kiệt và không thể cố thêm. Những ngày qua, mỗi ngày tiếp tục vận hành, Cty lỗ tầm 200 triệu đồng.

Ngoài ra, Cty đang thế chấp 57 xe ô tô cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay 56 tỷ đồng làm vốn kinh doanh cũng đã quá hạn gần 2 tháng qua. Ngân hàng cũng có văn bản để thu hồi nợ.

Ông Trung cho biết thêm, khi đưa ra quyết định này, một số cán bộ công nhân viên rất buồn bởi có người đã gắn bó 17 năm qua nhưng về cơ bản mọi người cũng muốn dừng, bởi hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người. Đơn vị có khoảng 200 cán bộ, công nhân viên phục vụ cho 5 tuyến xe buýt nói trên.

Theo đó, Cty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với tất cả cán bộ công nhân viên đang thực hiện hợp đồng lao động đã ký. Với các cán bộ quản lý chủ chốt sẽ giải quyết theo quy định riêng. Thời gian chấm dứt lao động bắt đầu từ ngày 15/8/2022. Như vậy, nếu Hà Nội không sớm có giải pháp thay thế, các tuyến buýt này sẽ buộc phải ngừng chậm nhất vào ngày 15/8.

Liên quan đến việc Cty TNHH Bắc Hà gửi văn bản xin ngừng khai thác hàng loạt tuyến buýt vì lý do cạn kiệt dòng tiền, phá sản đang gây xôn xao dư luận, đại diện Sở GTVT khẳng định: Đây đều là các tuyến buýt có trợ giá và mang tính xã hội cao. Do vậy dù bất kỳ lý do gì, các tuyến buýt trên không thể dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HAPTA) cho rằng: Trong lịch sử VTHKCC chưa từng có tiền lệ DN buýt xin bỏ tuyến. Song cũng theo Chủ tịch HAPTA, hoạt động VTHKCC nói chung trong đó có xe buýt tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua.

Do ảnh hưởng “kép” của dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến doanh thu từ bán vé cho hành khách bị giảm từ 30 đến 50%. Trong bối cảnh khó khăn khi mà cơ chế hoạt động, định mức, chỉ tiêu sản lượng của xe buýt chưa được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp. Đây có thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến DN buýt chưa mặn mà để tiếp tục khai thác.

Đối với việc Bắc Hà xin ngừng tuyến buýt, Chủ tịch HAPTA nhận định: Chắc chắn Sở GTVT Hà Nội sẽ mời đơn vị khác tham gia vào tuyến đó. Trong trường hợp gấp gáp, có thể TP phải chỉ định thầu DN Nhà nước tham gia. Đồng thời xem lại giá thầu của loạt tuyến đó, tạo các điều kiện cần và đủ.

Trước những vấn đề này, ông Thông cho biết thêm, Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội cũng như UBND TP sớm có những giải pháp gỡ khó. Đồng thời, Hiệp hội đã kiến nghị xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tăng tần suất trên tất cả các tuyến VTHKCC, tạo thêm công ăn, việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động...

Hà Nội: Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.