Biến chứng đồng loạt và nặng là vô cùng hy hữu

(PL&XH) - Sáng ngày 30/5, các bệnh nhân còn lại trong vụ sốc phản vệ khi chạy thận ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã được chuyển về bệnh viện Bạch Mai. Theo nhận định của các bác sỹ, biến chứng đồng loạt và nặng như vậy là vô cùng hi hữu.

Tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, hiện tình trạng của 10 bệnh nhân đang được điều trị tại nhiều khoa phòng đã khá ổn định, chỉ có 1 bệnh nhân nặng.

Cụ thể, có 3 bệnh nhân điều trị tích cực thì có 2 bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo, 1 bệnh nhân còn hơi nặng. 2 bệnh nhân ở Khoa Chống độc và 4 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Khoa Tiết niệu cũng có sức khỏe ổn định.

Theo TS. Dũng: “Chạy thận cũng thường có nhiều biến chứng và là những biến chứng đơn lẻ, những biến chứng đồng loạt, nặng như thế này thì vô cùng hy hữu, 45 năm nay chưa hề xảy ra. Đây là một tai biến y khoa nặng, nghiêm trọng, hiếm xảy ra”.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin lãnh đạo Bộ Y tế và BV Bạch Mai đã chỉ đạo đưa các bệnh nhân nặng về Bạch Mai để tiện chăm sóc. Đồng thời bệnh viện đã cử một kíp lên Hòa Bình để đón nốt những bệnh nhân nặng để về Bạch Mai cứu chữa.

bien chung dong loat va nang la vo cung hy huu
Lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân, ảnh V.H

Hiện tại các bệnh nhân đều được kiểm soát tốt, bệnh viện đã liên hệ với BHXH Hà Nội và được cho biết, việc điều trị cấp cứu như thế này BHXH sẽ tham gia vào tích cực với người bệnh để đích cuối là cứu chữa bệnh nhân.

"Sau khi về Bạch Mai, các khoa, phòng đã được kết nối, chuẩn bị sẵn để tiếp nhận bệnh nhân, làm bệnh án, xét nghiệm với quy trình tốt. Hy vọng với sự quan tâm, trang thiết bị hiện đại, trong thời gian ngắn nữa các bn sẽ ổn định, trở về với cuộc sống", TS. Hùng bày tỏ.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ, GS - TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng: "Để kết luận chính thức, cần phải có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn. Nói sớm quá mà không đúng sẽ gây ra sự xáo trộn. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm có thể thấy nguyên nhân có thể là nước, thuốc".

Đây là sự cố y khoa lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. “Thực tế mà nói, sốc phản vệ không ai giỏi mà có thể nói trước được. Thậm chí tiêm vitamin C cũng có thể sốc phản vệ, tử vong ngay, truyền máu cũng có thể sốc. Một sự cố mà xảy ra với cả 18 người, 6 người tử vong ngay và một người tử vong sau đó thì đây phải nói là lần đầu tiên, rất đáng tiếc.” GS - TS Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Về phương án xử lý, GS. Trí cho rằng trước mắt cần tập trung cứu chữa, tiếp tục xử lý các trường hợp đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện với sự giúp đỡ của các bệnh viện trong khu vực. Nên tạm thời dừng hoạt động để vừa rút kinh nghiệm, vừa rà soát trang thiết bị; rà soát lại đường dẫn, nước thuốc,… để có bằng chứng xác thực, đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân”.

Hiện cả nước có rất nhiều trung tâm chạy thận, sự cố y khoa rất đau lòng, nhưng nó là việc thường xuyên xảy ra trong quá trình hành nghề ở bất cứ quốc gia nào. Vấn đề của chúng ta là làm sao để nó thấp nhất, ít nhất, hậu quả ít nghiêm trọng. Rất đáng phải rút kinh nghiệm. Nhưng không nên sợ. Chúng ta đừng có thái độ quá hoang mang. Cán bộ y tế lại càng không được hoang mang. Vì cán bộ y tế mà hoang mang sẽ dẫn đến nhiều điều đáng tiếc, GS. Trí chia sẻ.

T.An / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.