Công ty Bắc Hà dừng 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội: Mỗi ngày lỗ gần 200 triệu đồng

Ông Cao Bá Trung, đại diện tư vấn, hỗ trợ pháp lý Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, việc dừng khai thác 5 tuyến buýt tương đương 57 đầu xe là quyết định rất khó khăn của công ty.
Công ty Bắc Hà dừng 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội: Mỗi ngày lỗ gần 200 triệu đồng
Công ty Bắc Hà xin dừng khai thác 5 tuyến xe buýt số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 ở Hà Nội.

Ngày 1/7, Công ty TNHH Bắc Hà gửi thông báo đến Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc xin dừng khai thác 5 tuyến xe buýt số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 ở Hà Nội khiến không ít người bất ngờ, trong đó có cả lái, phụ xe.

Ngày 2/7, ông Cao Bá Trung, đại diện tư vấn, hỗ trợ pháp lý Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, việc dừng 5 tuyến buýt tương đương 57 đầu xe là quyết định rất khó khăn của công ty.

Năm trước, công ty đã đặt vấn đề với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội nhưng được động viên làm tiếp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty rất khó khăn về tài chính, đã cạn kiệt và không thể cố thêm. Những ngày qua, mỗi ngày tiếp tục vận hành, công ty lỗ tầm 200 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty đang thế chấp 57 xe ô tô cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay 56 tỷ đồng làm vốn kinh doanh cũng đã quá hạn gần 2 tháng qua. Ngân hàng cũng có văn bản để thu hồi nợ.

Ông Trung cho biết thêm, khi đưa ra quyết định này, một số cán bộ công nhân viên rất buồn bởi có người đã gắn bó 17 năm qua nhưng về cơ bản mọi người cũng muốn dừng, bởi hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người. Đơn vị có khoảng 200 cán bộ, công nhân viên phục vụ cho 5 tuyến xe buýt nói trên.

“Thời gian vừa qua công ty phải gồng mình lên, ban lãnh đạo cũng động viên anh em ở lại. Họ ở lại do đã gắn bó lâu và vì tình cảm chứ đa số anh em muốn dừng. Do vậy, khi ra quyết định dừng nhiều người cũng mong muốn để đi tìm một công việc khác ổn định hơn.

Sau khi cân nhắc rất nhiều, đến ngày 1/7, công ty buộc phải gửi văn bản tới Sở GTVT TP Hà Nội và Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội. Chắc chắn sắp tới, Sở và Trung tâm sẽ có phương án để sắp xếp phương tiện thay thế.

Chúng tôi không thể đi tiếp được nữa, cực chẳng đã 17 năm gắn bó với tuyến buýt này. Ngoài việc uy tín còn là danh dự, niềm tin nên rất mong cơ quan truyền thông báo chí, người dân sẻ chia với doanh nghiệp", ông Trung tâm sự.

Theo ông Trung, một tín hiệu mừng cho đơn vị khi đêm ngày 1/7, trực tiếp lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã gọi điện trao đổi, chia sẻ với ông về việc có một đơn vị muốn nhận lại toàn bộ tuyến này, mua lại với giá 0 đồng để vận hành tiếp.

“Chúng tôi rất hoan nghênh việc này, hy vọng mọi việc sẽ diễn ra một cách suôn sẻ, làm sao hoạt động của 57 đầu xe phục vụ 5 tuyến xe buýt không bị xáo trộn.

Tôi tin các ban ngành cũng đang rất nỗ lực cho việc tháo gỡ những khó khăn này, hy vọng sẽ ổn trong thời gian tới. Tôi mong muốn có đơn vị mua lại để duy trì tiếp chứ chúng tôi hết lực rồi", ông Trung chia sẻ.

Nghệ An: Một doanh nghiệp bị xử phạt gần 230 triệu đồng do bán xăng kém chất lượng
Vĩnh Phúc: Hy hữu việc một doanh nghiệp bị cướp hồ sơ trước giờ mở thầu
Một doanh nghiệp dừng hoạt động các tuyến xe buýt tại Hà Nội

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.