Phòng, chống tham nhũng và những bước đột phá mới

Công tác phòng, chống tham nhũng hiện đang được thực hiện trên diện rộng, ngày càng đi vào chiều sâu, làm rõ bản chất tham ô, tham nhũng mang tính chất tập thể, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với các đối tượng bên ngoài nhà nước.

Đó là nhận định được đưa ra sau những kết quả của 10 năm phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022.

Sự gương mẫu, quyết liệt - nhân tố hàng đầu

10 năm là chặng đường không dài, nhưng đã khẳng định, mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu đã đem lại những kết quả rất quan trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Phòng, chống tham nhũng và những bước đột phá mới
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một trong những nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã làm được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành.

Đồng thời, đó là sự nỗ lực cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở T.Ư và địa phương.

Sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều chuyên gia, người dân cũng đồng tình với nhận định, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.

Sự quyết tâm, quyết liệt ấy của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sự quyết tâm, quyết liệt đó thể hiện ở việc đã kiên quyết xử lý 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 37 cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, cả cán bộ đương chức, cán bộ nghỉ hưu. Với sự chỉ đạo lớp lang, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử… nhiều sai phạm “lẩn khuất” từ nhiều nhiệm kỳ trước đã bị đưa ra ánh sáng. Đó cũng là lý do khiến số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý ở thời kỳ này tăng “đột biến”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, khi “lò chống tham nhũng” đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Người dân cũng đánh giá rất cao sự công khai, minh bạch của những bản kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương; những vi phạm của cán bộ được chỉ ra tường tận. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giờ đây không chỉ lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà đã thành phong trào, thành một xu thế. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được.

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, trong kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã có sự phối, kết hợp, khớp nối với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Qua đó, khắc phục cơ bản tình trạng như Tổng Bí thư thường nói là “cua cậy càng, cá cậy vây” và cũng như Tổng Bí thư nói, giờ đây, một cơ quan nào trong các cơ quan, lực lượng đấu tranh chống tham nhũng mà không muốn làm thì cũng không được.

Cùng với sự ráo riết, quyết liệt của Trung ương, đến nay, sức nóng của “lò lửa” chống tham nhũng đã được truyền xuống các địa phương, tạo nên sự chuyển biến rất tích cực trong việc chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nhiều nơi đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó dần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, tạo thành “cánh tay nối dài” để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất, từ cấp xã cho đến T.Ư.

Kiểm soát quyền lực, để không thể tham nhũng

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, kết quả thực tế cũng bác bỏ mạnh mẽ những luận điệu cho rằng, nếu quá tập trung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại.

Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thực tế trong 10 năm qua cũng cho thấy, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch; nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết; "chống chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn có nguyên nhân xuất phát từ việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Do đó, việc phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề tiếp tục được đặt ra. "Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy" - Tổng Bí thư đã nói.

Cùng với đó, việc kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực cũng là vấn đề được đặt ra. Mong muốn của Tổng Bí thư cuối bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 cũng là mong muốn của người dân cho một giai đoạn sắp tới: Tất cả những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước Nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ".

Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng." - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Kết quả to lớn đạt được trong 10 năm qua, không chỉ dừng lại ở những con số hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu mét vuông đất được thu hồi về cho Nhà nước, mà kết quả có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành được nâng lên rõ rệt." - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tổng Bí thư chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng
Phòng, chống tham nhũng đồng bộ, bài bản, đi vào chiều sâu, tạo đột phá lớn
Trưởng ban Nội chính T.Ư nêu 7 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng

Trần Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.