Đề nghị sớm triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

Giúp hành khách thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), từ ngày 1/7, Cty CP Xe khách Hà Nội tổ chức vận hành tuyến buýt số 146 (Hào Nam - Khu liên cơ Võ Chí Công - Hào Nam). Việc sử dụng xe cỡ nhỏ để mở tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa hệ thống VTHKCC.
Việc sử dụng xe cỡ nhỏ gọn nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa hệ thống VTHKCC
Việc sử dụng xe cỡ nhỏ gọn nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa hệ thống VTHKCC

Tuyến buýt được kết nối với tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông tại Hào Nam đến các điểm thu hút hành khách, khu vui chơi giải trí, khu phố cổ Hà Nội, khu vực liên cơ quan và mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt. Đáng chú ý, tuyến buýt số 146 sử dụng phương tiện có sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn, phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua.

Thời gian hoạt động của tuyến từ 5h đến 22h hàng ngày; tần suất 14 - 15 - 28 - 30 phút/lượt, tùy từng thời điểm trong ngày. Giá vé là 7.000 đồng/lượt (các loại vé tháng, vé ưu tiên được sử dụng như các tuyến xe buýt nội đô hiện hành).

Ngoài ra, cao điểm hè 2022, mỗi ngày sản lượng hành khách qua sân bay Nội Bài đều liên tục lập đỉnh mới. Trong khi nhà ga hành khách T1 hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2001, đến nay đã được hơn 20 năm. Quy hoạch sân đỗ ô tô phía trước nhà ga T1 thời điểm đó chỉ có khoảng 400 vị trí đỗ, quá trình khai thác, Cảng Nội Bài đã cải tạo, mở rộng, bố trí sắp xếp lại luồng tuyến để tăng thêm số lượng vị trí đỗ và đến nay đã nâng lên thành 555 vị trí đỗ ô tô để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách đi tàu bay. Do lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng vọt, Nội Bài khuyến khích hành khách sử dụng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc.

Trong đó, cảng đã bố trí đủ vị trí đỗ cho 6 tuyến xe buýt kết nối Thủ đô Hà Nội với Nội Bài. Sản lượng tăng cao, lượng khách sử dụng phương tiện cá nhân ra vào đón khách tại Cảng Nội Bài cũng tăng đột biến, ghi nhận cao gấp 3 lần so trước đại dịch Covid-19 gây áp lực lớn đến luồng di chuyển và sân đỗ ô-tô vốn đã được bố trí tối đa trong giới hạn mặt bằng cho phép.

Để đáp ứng nhu cầu của hành khách và nâng cao chất lượng dịch vụ, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tăng cường lực lượng an ninh hàng không, thường xuyên phối hợp Đồn CA Nội Bài cùng tham gia điều tiết phân luồng phương tiện trong sân đỗ, làn vào/ra thu phí và khu vực sảnh đón khách dành cho phương tiện vãng lai; mở tất cả các cửa soát vé làn ra trong các khung giờ; hạn chế các phương tiện xe ưu tiên, xe đưa đón cán bộ, nhân viên không đừng đỗ tại các vị trí trước Nhà ga hành khách T1, tạo luồng giao thông thông thoáng cho hành khách.

Mặc dù cảng đã triển khai nhiều biện pháp, song vào một số thời điểm nhất định vẫn xảy ra tình trạng nhiều xe xếp hàng chờ, di chuyển khó khăn. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kêu gọi, đề nghị hành khách cảm thông và hợp tác với cảng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và thuận lợi cho chính bản thân hành khách. Theo đó, hành khách hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng để dễ dàng tiếp cận nhà ga…

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC TP Hà Nội (HAPTA) cũng có văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan về một số nội dung gồm tháo gỡ khó khăn cho DN VTHKCC; phát triển VTHKCC và xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giao thông Đường bộ. Cùng đó, kiên trì với chủ trương ưu tiên phát triển VTHKCC, đảm bảo cho người dân được thuận tiện, tiếp cận an toàn và di chuyển bằng xe công cộng nhanh hơn phương tiện cá nhân.

Chủ tịch HAPTA kiến nghị TP cần tiếp tục duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và đẩy mạnh các chế tài xử lý, chống các phương tiện khác chiếm dụng làn đường đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay nhằm nâng cao năng lực phục vụ.

Đồng thời, tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt. Sớm có kế hoạch triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả, nâng cao khả năng phục vụ của xe buýt bằng tốc độ xe chạy.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép các phương tiện gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi chung vào làn BRT để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến.

Với các tuyến buýt, BRT, metro, cần tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận một cách thuận tiện, an toàn và phải được một tổ chức trực thuộc TP quản lý, vận hành, khai thác. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, an toàn nhằm hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với vận tải công cộng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế những trở ngại cho phương tiện công cộng khi lưu thông trên đường.

Hà Nội tạo điều kiện đi lại bằng xe buýt cho người có thẻ SEA Games 31
Bổ sung hơn 2.500 điểm dừng xe buýt tại Hà Nội
Hà Nội mở rộng vùng phục vụ của xe buýt về các huyện ngoại thành
Hà Nội có thêm tuyến xe buýt điện thứ 8 để phục vụ người dân

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.