Bảo tồn cầu Long Biên:

Đáp ứng giao thông đô thị, bảo tồn được di sản!

Từ lâu, cầu Long Biên đã đi vào thi ca Việt Nam như một hình ảnh đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử do con chính bàn tay con người tạo nên. Vì vậy việc bảo tồn cây cầu này đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Hàng ngày cây cầu có hàng nghìn lượt phương tiện di chuyển qua lại
Hàng ngày cây cầu có hàng nghìn lượt phương tiện di chuyển qua lại

Cây cầu đi qua 3 thế kỷ

Hà Nội mang vẻ đẹp lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ văn hoá, kết tinh văn minh của đất nước. Hà Nội cũng là nơi sản sinh nhiều loại hình văn hóa dân gian; quê hương của các anh hùng hào kiệt dân tộc, nơi tụ hội các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể được cả nước công nhận. Cùng với Văn Miếu, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn thì một trong những hình ảnh đặc trưng, độc đáo mà chúng ta không thể không nhắc tới khi đề cập tới Hà Nội là cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng.

Trải qua hơn 120 năm khai thác, sử dụng, cầu Long Biên nhiều lần được khôi phục, gia cố, sửa chữa do bị chiến tranh phá hoại cũng như bị hư hỏng kết cấu vì quá tải. Cách đây hơn một tháng, sau hai lần mặt cầu bị thủng lỗ to "người chui lọt", đơn vị quản lý đã lắp rào chắn hai đầu cầu để ngăn xe ba gác, ôtô và xe chở hàng hóa cồng kềnh. Nhưng ngoài xe máy như kể trên, thì tàu hỏa chạy trên các tuyến đường sắt quốc gia gồm Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai vẫn qua cầu mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn, tốc độ tàu qua cầu chỉ tối đa 15km/h.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”. Dự án được Chính phủ Pháp tài trợ. Theo quyết định của Hà Nội, Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên.

Đồng thời, xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP. Qua đó, thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

Những giải pháp khả thi

KTS chuyên gia kiến trúc đô thị Phạm Thanh Tùng nhìn nhận, cải tạo cầu Long Biên có thể là phương án có thể là tháo dời, sau đó nâng cao độ nhưng phải đáp ứng tiêu chí khoa học công nghệ cho phép. Hoặc có thể trả lại nguyên trạng ban đầu từ nhịp cầu Long Biên (hình con rồng), biến cầu trở thành cầu đường sắt đô thị nhưng giữ lại đoạn ga 2 bên cầu để làm du lịch và phát triển 2 bên chỉ dành cho xe đạp, xe máy, đi bộ.

“Hãy để cây cầu trở thành cây cầu đi bộ, thành không gian bảo tồn cảnh quan gắn với quy hoạch hai bên sông Hồng mà TP Hà Nội đã phê duyệt. Hay biến cầu Long Biên thành điểm đến du lịch, đặc biệt, thành cây cầu sáng tạo cho các nghệ nhân, kiến trúc sư, nghệ sĩ và là nơi hưởng thụ văn hóa của người dân, để cây cầu tham gia vào hành trình sáng tạo công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số”, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phải bỏ ra một lượng kinh phí rất lớn để phục hồi cây cầu với công năng như cách đây hơn trăm năm, ngoài giao thông đường sắt chỉ để phục vụ cho xe đạp, xe máy, đi bộ " gánh gồng ngược xuôi" thì hiệu quả về kinh tế - xã hội rất thấp, không tương xứng với số kinh phí, dù là từ nguồn nào phải bỏ ra. Hơn nữa, tĩnh không của cây cầu Long Biên hiện nay thấp nhất trên dòng sông Hồng. Tất cả các cây cầu xây sau này đều có tĩnh không cao, thuận tiện cho tàu lớn qua lại. Riêng cây cầu Long Biên vào mùa nước lớn là giao thông thủy bị tắc.

Ngoài ra, còn có ý kiến ủng hộ phương án làm cây cầu mới tại vị trí cũ, kiến trúc theo dáng của cây cầu Long Biên, nhưng được cải tạo, nâng cấp, hiện đại hơn. Mở rộng mặt cầu, nâng chiều cao tĩnh không, giải quyết được sự thông thoáng cho giao thông thủy. Cây cầu mới vừa có chức năng giao thông đường sắt, vừa có đường cho ô tô, xe máy, người đi bộ. Tuy nhiên, qua rất nhiều lần hội thảo, phương án này luôn vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ phương án phục hồi nguyên trạng.

Tại thời điểm hiện nay, vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng những người con Hà thành.

Ngày 5/6/2022 vừa qua, Hà Nội chính thức tiếp nhận làm chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi thay cho Bộ GTVT, với khái toán hơn 81.000 tỷ đồng. Trong khi vai trò đường sắt quốc gia của cầu Long Biên không còn lớn, việc Chính phủ giao cho Hà Nội phát triển tuyến giao thông đường sắt đô thị, trong đó cầu Long Biên như một mắt xích quan trọng là định hướng sáng suốt, vấn đề ở chỗ chúng ta cần đẩy nhanh quá trình này để “hồi sinh” cây cầu Long Biên danh tiếng.
Bộ GTVT yêu cầu khắc phục ngay hư hỏng cầu Long Biên
Cận cảnh mắt thần xử lý vi phạm trên cầu Long Biên
Cần “đại tu” cầu Long Biên, không chỉ dừng ở giải pháp tình thế
Hà Nội lắp rào phân cách chặn xe ba bánh, ô tô cố tình lên cầu Long Biên
Hà Nội thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.