Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để hạ giá xăng

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để lấy ý kiến các bên liên quan.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thêm các giải pháp về thuế để góp phần giảm giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...

Bộ Tài chính ước tính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu tính cả phần ước giảm thu NSNN theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu NSNN bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống còn 12% đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.

Tổng cục Hải quan nói gì về hiện tượng gian lận trong nhập khẩu ô tô biếu tặng?
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng...

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.