Giúp những “lá phổi xanh” tiếp tục làm đẹp Thủ đô:

Kỳ 3: Hà Nội xanh và sự lựa chọn của tương lai

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 -2025 đã xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.
Hà Nội sẽ phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp
Hà Nội sẽ phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp

Từ tinh thần trên cho thấy, việc giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp được đặt lên một tầm cao mới, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các cấp chính quyền cũng như đông đảo người dân.

Hiểu được những giá trị và lợi ích của việc bảo vệ môi trường sinh thái, nhiều cấp ngành, địa phương của Hà Nội đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ ao, hồ, cải tạo môi trường. Điển hình như phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã biến đoạn “mương thối” dài khoảng 200 m tính từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2 trở thành điểm đến du lịch, thu hút số lượng lớn người dân tìm đến. Với tinh thần "lấy xây để chống", quận Ba Đình đã cho phép phường Trúc Bạch, huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với ngân sách tiến hành nạo vét rác thải trong mương, bờ lát gạch tự chèn.

Cùng với đó, phường đã lát gạch toàn bộ các ngõ ven hồ, lắp đặt hệ thống đèn lồng, đèn chiếu sáng, cây xanh trang trí, tranh tường nghệ thuật giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người Trúc Bạch.

Có thể thấy, sau khi xây dựng cải tạo lại ao, hồ nhiều địa phương của Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động phát huy giá trị của ao, hồ, phục vụ đời sống của người dân khu vực để giúp lá "phổi" khỏe mạnh hơn. Đáng chú ý, nhiều hồ điều hòa trên địa bàn Thủ đô đã trở thành địa điểm lý tưởng để người dân vui chơi, tập thể dục. Giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được, chính quyền các địa phương và người dân đã, đang thực hiện nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa để những "lá phổi xanh" tiếp tục góp phần làm đẹp Thủ đô.

Song hành cùng với việc gìn giữ bảo vệ hệ thống ao, hồ, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm tới phát triển hệ thống cây xanh. Bởi ngoài nhiệm vụ cải tạo vi khí hậu cũng như không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, cây xanh còn đóng vai trò như “tấm lá chắn” bảo vệ môi trường, cuộc sống của người dân Thủ đô.

Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, TP đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường. Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới từ 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị TP; 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung từ 50-80ha rừng; chăm sóc 3.546 ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Về việc tăng tỷ lệ không gian xanh cho TP, Sở Xây dựng Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh bổ sung hàng năm tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, hệ thống giao thông ngoài đô thị nhằm tăng tỷ lệ bao phủ cây xanh tại các quận nội đô. Cùng với việc trồng cây xanh đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội còn định hướng trồng cây cảnh tại các tuyến đường giao thông, vừa giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, vừa nâng cao mỹ quan đô thị.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nhận định: Ao hồ, cùng với cây xanh được xem là “lá phổi xanh” của TP. Nâng cao chất lượng sống của người dân đó là mục tiêu của chính quyền các cấp ở Hà Nội, trong đó, môi trường sống được coi là rất quan trọng. Chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, cho nên việc giữ môi trường an lành cho người dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, sông, hồ cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư.

Chính vì vậy, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, giữ gìn tốt “lá phổi xanh” cũng chính là cách để ươm mầm cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định cả trước mắt và lâu dài.

Xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao. TP đã triển khai các giải pháp để không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường gắn với lịch sử và thiết chế văn hóa của địa phương để hướng tới phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại.

Tại buổi Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới, ông Mai Trọng Thái (Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) khẳng định: “Thông điệp vì một trái đất cũng như thông điệp vì một Hà Nội xanh đều hướng tới vấn đề thiết thực là các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững song hành với phát triển kinh tế, đồng thời đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu.

Hướng tới TP Hà Nội xanh, sạch, đẹp, đáng sống là vấn đề trọng tâm mà TP đặt ra với các sở, ban, ngành cũng như tất cả các đơn vị phải có giải pháp thiết thực như nâng cao, cải thiện chất lượng môi trường không khí hay quản lý rác thải cũng như việc cải thiện chất lượng môi trường nước... đảm bảo được các chỉ tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, TP cũng đảm bảo chủ động ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan".

Kỳ 2: Cây xanh dịu mát giữa mùa hè oi bức
Kỳ 1: Chung tay bảo vệ hệ thống ao, hồ

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.