Mức tăng trưởng GDP quý II năm 2022 đạt 7,72%

Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng GDP quý II cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021.
Mức tăng trưởng GDP quý II năm 2022 đạt 7,72%

GDP quý II tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong 10 năm

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

Thêm một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam là giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%, sản xuất trang phục tăng 23,3%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.

Về hoạt động của DN, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 76.200 DN đăng ký thành lập mới (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó là gần 40.700 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 55,6%). Ngược lại, có 50.900 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 24.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 371 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng 5/2022. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD; còn lại thuộc khu vực kinh tế trong nước (đạt 8,83 tỷ USD).

So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 tăng 20%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 22,3%.

Trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,44%

Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý II và 6 tháng qua cũng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,63%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2022 tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,2%.

Đáng chú ý, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,38% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,75%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,83%.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 6,04% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,01%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; dùng cho xây dựng tăng 9,32%.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Bên cạnh đó, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh.

Do vậy, Tổng cục Thống kê chỉ rõ công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.