Giúp những “lá phổi xanh” tiếp tục làm đẹp Thủ đô:

Kỳ 2: Cây xanh dịu mát giữa mùa hè oi bức

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Dù vậy, đi qua nhiều con đường, tuyến phố, người dân Thủ đô có thể cảm nhận sự dễ chịu khi đi dưới những hàng cây xanh phủ bóng xuống mặt đường… Đó chính là thành quả, là sự nỗ lực của Hà Nội trong những năm qua đã thực hiện thành công các chương trình lớn về tăng diện tích cây xanh đô thị.
Giữa trời nắng nóng, bất kỳ ai đi qua đường Phan Đình Phùng đều cảm thấy dịu mát
Giữa trời nắng nóng, bất kỳ ai đi qua đường Phan Đình Phùng đều cảm thấy dịu mát

Một thực tế khách quan mà bất cứ người dân, du khách nào đến Thủ đô cũng cảm nhận được vẻ đẹp của những hàng cây và giá trị của nó với môi trường. Ghi nhận, trong những ngày này, giữa tiết trời oi ả, vẫn có những tuyến phố, con đường ngỡ tưởng sẽ bị nung nóng lại được phủ bóng cây xanh, qua đó làm dịu đi sự oi bức, gắt gỏng của mùa hè.

Khi nhiệt độ Thủ đô Hà Nội được dự báo khoảng 36 độ, thế nhưng nếu bỗng dưng “lạc” vào Phan Đình Phùng, chúng ta lại có thể bình yên tận hưởng những bóng râm êm đềm do những cây sấu cổ thụ mang lại. Anh Phạm Vụ Phong (quận Ba Đình) chia sẻ: “Rõ ràng, đi trên những tuyến phố có cây xanh tỏa bóng râm mát cảm nhận rõ cái nóng dịu hẳn. Khoảng không xanh mát còn làm tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái hơn...”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giảm nhiệt đô thị. Cây có tán đủ lớn ngoài có tác dụng che nắng, còn làm cho các bề mặt phía dưới cây xanh không bị hấp thụ bởi bức xạ mặt trời, ước tính trung bình có thể ngăn tới 80% lượng bức xạ mặt trời truyền tới. Các bề mặt này không bị nung nóng sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường, làm cho nhiệt độ không khí xung quanh môi trường và dưới gốc cây ở mức khiến con người không cảm thấy khó chịu

Đồng quan điểm, Phó Tổng GĐ Cty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, hệ thống cây xanh đô thị còn có tác dụng cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất và độ ẩm không khí thông qua việc hạn chế bốc hơi nước, kiểm soát và lưu thông gió. Đồng thời, hệ thống cây xanh đô thị giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm như: CO2, NO2, SO2, CO, khói bụi; cung cấp khí O2. Không chỉ vậy, cây xanh đô thị còn có vai trò lớn trong kiến trúc, trang trí cảnh quan...

Tuy nhiên, dạo một vòng một số quận tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những hình ảnh xâm cây xanh bị xâm hại. Có thể liệt kê một số một số tuyến đường, phố như Đê La Thành, Trần Thái Tông, Trần Cung, Sơn Tây, Trần Nhân Tông…

Thậm chí, tại các vườn hoa, công viên, nhiều người giẫm đạp, ngồi trên hoa, cỏ hay khắc tên, viết, vẽ lên thân cây làm mất đi vẻ đẹp của cây xanh. Điều này không những làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và về lâu dài cây xanh dễ bị chết, gãy đổ làm mất an toàn.

Được biết, nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh, chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, trong đó có quy định mức phạt cao nhất với hành vi “bức tử” cây xanh lên tới 30 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, nếu quy định này được thực thi nghiêm túc, hiệu quả thì sẽ hạn chế được tình trạng xâm hại cây xanh. Thiết nghĩ, nhằm bảo vệ cảnh quan, giữ “lá phổi xanh” cho đô thị, bên cạnh xử lý các hành vi vi phạm, thì mỗi người dân cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ cây xanh.

Để cây xanh phát triển ổn định, tạo thành "tấm lá chắn" vững chắc bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc trồng mới, bảo vệ cây xanh, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm hơn, phải ráo riết hơn, với những việc làm thiết thực.

Nhiều nhà nghiên cứu về môi trường cho rằng, từ mỗi cá nhân, tổ chức, DN, những người có trách nhiệm góp phần làm xanh TP bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ đúng đến hình thành các hành động cụ thể. Ví như cần ban hành các chế tài bảo vệ cây xanh công cộng, đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực cây xanh đô thị.

Vấn đề tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh cũng phải được tiến hành thường xuyên và sâu rộng, qua đó nhân lên thành tinh thần tự giác. Đã đến lúc, mỗi người cần phải bồi đắp tính cách, văn hóa, bồi lắng lối sống văn minh, gắn bó hài hòa với những mảng xanh, với cây xanh để cùng với tạo dựng nên một TP phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến ngày 30/6/2020, TP Hà Nội đã trồng được hơn 1.581.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ. Đặc biệt, Hà Nội đã tạo lập được những tuyến đường có hệ thống cây xanh kiểu mẫu đồng bộ về quy hoạch cảnh quan kiến trúc như: Đường Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp; Đại lộ Thăng Long (trước Trung tâm Hội nghị quốc gia); đường Láng, Phạm Văn Đồng... TP cũng tiến hành trồng, cải tạo, chỉnh trang, bổ sung trang trí cây bụi, mảng, khóm, cây dây leo, cây hoa..., tạo đa dạng chủng loại, màu sắc và hoàn thiện hệ thống cây xanh theo mô hình đa tầng tán tại nhiều tuyến phố, điển hình như: Kim Mã, Láng Hạ, Giảng Võ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Cổ Linh, Điện Biên Phủ...

(Còn nữa)

Kỳ 1: Chung tay bảo vệ hệ thống ao, hồ Kỳ 1: Chung tay bảo vệ hệ thống ao, hồ

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.