Viết cho tháng Sáu

Tháng Sáu, phố Hà thành đắm mình trong hương mùa hạ. Dường như, mỗi làn gió đều thấm đẫm hương của nắng mưa, hương của đất trời, hương của muôn hoa...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với mọi người, đây chỉ là một tháng của mùa hạ, nhưng với những người như tôi và đồng nghiệp, tháng Sáu luôn mang một ý nghĩa đặc biệt bởi có ngày hội của người làm báo. Riêng tôi, mỗi khi tháng Sáu chạm ngõ, bao kỷ niệm với những ân tình lại chầm chậm trở về trong ký ức.

Nghề báo đến với tôi như một sự sắp đặt tuyệt vời của nhân duyên. Tôi đã đi nhiều nơi, làm một số công việc khác nhau, nhưng luôn nuôi giữ tình yêu với viết lách, văn chương. Có lẽ, những mảnh cảm xúc của tôi sẽ mãi nằm trong cuốn nhật ký viết tay hoặc trên mạng xã hội nếu tôi không gặp cố nhà văn Tuấn Vinh và được ông dìu dắt, khích lệ viết bài đăng báo.

Tôi còn nhớ, bài viết đầu tiên về đề tài văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Hà Nội, nhà văn Tuấn Vinh đã “giật tít” giúp với cái tên giản dị: “Thật may”. Sau này, khi viết nhiều đề tài khác nhau, mỗi lần “đặt tên” cho tác phẩm, tôi lại bồi hồi nhớ cái tên bài viết đầu đời.

Tản văn là một thể thức văn chương khá đặc biệt. Chúng ta không thể viết giống như sản xuất tin, bài thông thường mà đòi hỏi người viết phải có sự giao thoa cảm xúc để chạm đến trái tim bạn đọc. Đã có những thời điểm, do áp lực cuộc sống, tôi bị “chai cảm xúc” nên cảm giác rất khó khăn khi viết tản văn. Thế nhưng, chính sự khích lệ của người thân, bạn đọc, sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp đã giúp tôi gượng dậy, tiếp tục nối mạch nguồn con chữ.

Mỗi lần đề tài chợt đến, tôi lại nhớ đến những lời khuyên của nhà văn Ma Văn Kháng: “Vy Anh, bác luôn đọc các bài viết của cháu. Cách viết của cháu tinh tế và con chữ có hồn, hãy luôn phát huy cháu nhé. Cần trau dồi hơn nữa bằng cách đọc thật nhiều để làm mới vốn từ. Một điều rất quan trọng cháu cần phải nhớ, hãy viết ngay khi cảm xúc chợt thăng hoa...”. Và... đã có những đêm, tôi tỉnh giấc, bật đèn, miệt mài viết khi gió lạnh đầu mùa đang thổi ngoài hiên.

Trên một tờ báo lớn, tản văn chỉ là một chuyên mục nhỏ xinh. Tôi thật ấm lòng khi cảm nhận sự quan tâm của Ban biên tập, Thư ký tòa soạn dành cho chuyên mục. Dù có những ngày duyệt bài với nhiều đề tài nóng, căng thẳng, vậy mà Ban biên tập vẫn “giật” lại tít hoặc sửa thêm vài chi tiết trong bài viết của tôi để câu từ trở nên trau chuốt hơn.

Đời người như chuyến xe luân lạc đã khiến tôi vài lần nghĩ đến việc rời xa Hà Nội, định cư ở nơi khác. Nhưng... Hà Nội níu giữ trái tim tôi bằng tình yêu dịu dàng mà sâu lắng. Có lẽ, mỗi góc phố, mỗi con đường Hà Nội trong ký ức của ai đó chỉ là một địa danh, nhưng với tôi, đó là nơi lưu giữ cảm xúc. Hà Nội qua những trang tản văn của tôi trải dài bốn mùa thương nhớ. Mùa nào Hà Nội cũng đẹp với một phong vị riêng có, khiến những trái tim yêu mảnh đất Hà Thành chưa xa đã nhớ.

Tản văn đã giúp tôi tìm thấy niềm vui mỗi ngày khi được kết nối với những bạn đọc có cùng tình yêu với văn chương. Khi đến với nhóm “TẢN VĂN HAY”, tôi được học hỏi rất nhiều trong cách viết tản văn. Ngay cái tên của nhóm cũng khiến người viết phải cẩn trọng trong từng câu chữ trước khi đăng lên. Quản trị viên Hồ Huy – người sáng lập nhóm và Ban quản trị luôn dành sự trân trọng đến các tác phẩm của thành viên. Quản trị viên Lê Minh thường duyệt bài rất kỹ và đưa ra những lời nhận xét chân tình với tác giả. Ở đây, tôi nhận được rất nhiều sự đồng điệu cảm xúc từ các thành viên dành cho tản văn của tôi.

Có lẽ, bạn đọc đặc biệt nhất với tôi chính là cha mẹ của mình. Một lần, khi trở về thăm nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi lúi húi sắp xếp lại những tờ báo có bài viết của tôi một cách cẩn thận. Từ bài đầu tiên với tựa đề “Thật may” do bác Tuấn Vinh đặt tên, đến số báo gần nhất. Mẹ xếp lần lượt, thứ tự, gọn ghẽ. Còn cha của tôi luôn đọc thật kỹ các bài tản văn tôi viết. Mỗi khi tôi ghé thăm, ông chầm chậm nhận xét về những chi tiết trong bài viết.

Không ít “bạn đọc thân thiết” theo dõi bài viết của tôi từ những ngày đầu tiên xuất hiện trên văn đàn. Anh Xuân Trường, một giáo viên ở tận mảnh đất đại ngàn nắng gió Tây Nguyên thường “thẩm từ” rất kỹ và góp ý những chi tiết mà tôi viết còn vụng về. Tôi khá vui khi có lần anh nhận xét: “Anh thích đọc các bài viết của em bởi trong đó luôn được gửi gắm thông điệp nhân văn khiến người đọc có cái nhìn lạc quan về cuộc đời”.

Nếu nói đến bạn đọc yêu các bài tản văn viết về Hà Nội của tôi, nhất định phải nhắc đến chị Nguyễn Thúy Vân. Chị và tôi có cùng một tình yêu sâu đậm với Hà Nội. Mỗi bài viết của tôi luôn được chị đọc kỹ và đưa ra những nhận xét với cảm xúc tinh tế. Đặc biệt, tôi thường được chị góp ý về cách thức nấu các món ăn cổ truyền Hà Nội trong các bài viết về ẩm thực.

Một điều khá thú vị với tôi, ngoài những cảm xúc của bản thân thì những đồng nghiệp, bạn bè cũng gợi ý cho tôi nhiều đề tài gần gũi với cuộc sống để viết. Sớm mùa thu, một bạn đồng nghiệp nhắn cho tôi: “Chị ơi, hôm nay trời sang thu rồi, em đi đường mà thấy phảng phất heo may, thích lắm. Chị viết đi nhé”. Mùa hạ, một người bạn nhắn thật dí dỏm: “Gần cơ quan tớ có cây hoa ngọc lan nở hoa trắng muốt. Hôm nào Vy Anh tới đây uống trà, ngắm hoa đi. Nhất định sẽ có bài tản văn thật hay về hoa ngọc lan”. Còn nhiều lắm những bạn đọc có cùng sự đồng cảm với tôi qua từng trang tản văn. Tôi, một người viết, xin cảm ơn những ân tình trân quý của các bạn.

Đời làm báo cho tôi đi qua những thăng trầm cảm xúc. Nhưng, dẫu thời gian trôi, tôi vẫn mãi ghi nhớ ân tình của người thầy trong nghiệp viết và các đồng nghiệp đã trao mối nhân duyên để tôi đến gần hơn với bạn đọc qua từng trang tản văn.

Vy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.