Nắng nóng ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị

Kỳ 2: Bệnh nhân cũ để lại những kỷ niệm...

Những căn phòng ở xóm chạy thận lâu lâu lại có người mới đến thay cho người cũ đã rời đi. Người thì về quê chấp nhận số phận khi đã kiệt quệ về tiền bạc, cũng có người đầu hàng số phận ngay ở nơi họ đã từng hy vọng được duy trì sự sống.
Kỳ 2: Bệnh nhân cũ để lại những kỷ niệm...
Vũ Thị Trang, quê Nam Định, đã gắn bó với xóm chạy thận được 8 năm từ khi tuổi đời còn rất trẻ

Không chỉ có những bệnh nhân lớn tuổi, ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, người ta còn bắt gặp những bệnh nhân còn rất trẻ. Chẳng còn sức sống của tuổi thanh xuân, bệnh nhân trẻ ở xóm trọ Lê Thanh Nghị héo hắt gầy guộc với ánh mắt trầm buồn vời vợi.

Vũ Thị Trang, SN 1994, ở Nam Định, đã gắn bó với xóm chạy thận này được 8 năm. 8 năm trước, đang lứa tuổi đôi mươi, khi mà các bạn cùng trang lứa còn đang tung tăng, vô lo vô nghĩ, học hành thì Trang rơi nước mắt bước vào buồng bệnh và gắn cuộc đời với chiếc máy lọc máu. Những vết kim châm dần dần khiến cơ thể em không còn sức sống, những ước mơ cũng sớm trở lên xa vời.

Trang tâm sự, lúc mới phát hiện bệnh cô buồn lắm. Cô cũng mong được đi học, được đi chơi như các bạn. Hơn nữa, cô cũng mong đón nhận những ân cần của những người bạn khác giới. Cũng muốn tiếp tục xây dựng những ước mơ về cuộc sống… “Em cũng có đôi lần muốn nghĩ quẩn. Thế nhưng rồi nhìn thấy các ông, các bà, các cô chú ở đây đều cố gắng chống chọi, em cũng dần đối diện với hoàn cảnh” – Trang nói.

Dù sao cũng còn sức trẻ, Trang hàng ngày vẫn nhận những bức tranh giấy về hí hoáy làm những khi không phải lên bệnh viện. Trang cho biết, mỗi bức tranh giấy nho nhỏ như thế hoàn thiện cô được trả công 15 nghìn/bức. Một ngày cô chỉ làm được 10 bức bởi sức khỏe có hạn, số tiền kiếm được ít ỏi nhưng cũng thêm thắt được chút ít để lo chi phí nhà cửa, điện nước và thuốc thang.

Kỳ 2: Bệnh nhân cũ để lại những kỷ niệm...
Những khi rảnh rỗi, Trang lại làm thêm tranh giấy để kiếm thêm thu nhập

Mấy hôm Hà Nội nắng nóng, căn phòng trọ vẻn vẹn 4m2 của Trang cũng nóng lắm. Cô lại không có điều kiện để mua điều hòa, cho dù chỉ là những chiếc điều hòa cũ nên đành chấp nhận. “Mấy đêm rồi nóng quá em và một bạn nữa cứ ngồi mãi ngoài cửa. Mệt quá lại vào phòng nằm, nhưng nóng quá không chịu nổi lại ra" – Trang kể. May đêm vừa rồi mát nên ngủ được chút ít.

Cô chỉ ra chiếc bếp cũng khiêm tốn không kém căn phòng trọ ở đầu dãy, may mắn là chủ nhà còn dành chỗ cho mọi người nấu ăn. Mặc dù 7, 8 căn phòng có vẻn vẹn 1 cái bếp nho nhỏ ấy nhưng cũng còn đỡ hơn rất nhiều nếu như phải mang nồi, chảo vào nấu nướng trong phòng.

Khi được hỏi về cuộc sống và mơ ước, Trang bảo, cuộc sống của cô gắn liền với chiếc máy lọc máu nên cũng không dám ước mơ nhiều. “Nếu có một người nào đó yêu em và em cảm thấy phù hợp thì em cũng sẵn lòng” – Trang trải lòng.

Đưa mắt nhìn Trang, chị Lê Thị Hoài, Thanh Hóa, người ở trọ cùng khu với Trang se sắt: “Tội thân con bé, còn trẻ quá. Nếu nó khỏe mạnh bình thường nó đẹp lắm đấy”. Chị Hoài cũng bảo, với các chị ở đây, chuyện thời tiết chẳng qua chỉ khiến các chị mệt hơn mà thôi, chứ còn có nỗi khổ nào hơn cái nỗi khổ hàng ngày phải chống chọi với bệnh tật đâu.

Kỳ 2: Bệnh nhân cũ để lại những kỷ niệm...
Cuộc sống của cô gắn liền với chiếc máy lọc máu nên cũng không dám ước mơ nhiều

Với bệnh nhân chạy thận, cầu tay chạy thận là sự sống của họ. Khi cái cầu tay ấy vỡ hoặc không còn có thể nối tiếp nữa, có nghĩa họ sẽ chết. Với người ngoài khó mà thấu hiểu được điều ấy. Những vết lồi lõm, bầm tím trên tay cho dù có khiến người khác thương cảm thì với các bệnh nhân thận, đó vẫn là cái để họ hy vọng rằng họ sẽ vẫn còn được tồn tại.

“Mới tuần trước có 3 người mất. Cũng có người vẫn còn nhưng đã bỏ về quê. Mà về quê có nghĩa là đã bỏ cuộc. Hoặc hết tiền, hoặc quá mệt mỏi với căn bệnh này". Và như thế, mới năm trước thôi con số bệnh nhân trọ ở xóm chạy thận xấp xỉ 140 người, nay chỉ còn 119 người. Giờ ở các tỉnh, thành các khoa chạy thận cũng có, số bệnh nhân ở xóm chạy thận không còn tăng nữa…

Chị Hoài kể, trước ở đây cũng có trường hợp bà Nguyễn Thị Ráng, quê ở Thái Bình. Bà phát hiện bị suy thận lúc 42 tuổi, năm 2003, bà lên Bạch Mai chạy thận. Và đó gần như là người đầu tiên ở xóm chạy thận này. “Bà ấy ngày nào chạy thì đến viện, còn sức khỏe thì đến làm giúp việc cho 1 gia đình ở Hoàng Quốc Việt, sau đuối sức quá thì sống nương tựa vào tiền trợ cấp của các Mạnh Thường Quân hay của các đoàn thiện nguyện. Từ năm 2003 đến năm bà ấy mất là 19 năm thì xóm trọ này đã là nhà mất rồi” - chị Hoài ngậm ngùi.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2 Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.