Xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ luôn được TP Hà Nội đẩy mạnh
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ luôn được TP Hà Nội đẩy mạnh

Theo Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ luôn được TP Hà Nội đẩy mạnh, thu được kết quả khả quan, 83 dự án hạ tầng thương mại kêu gọi đầu tư đã được công bố gồm: 58 dự án lĩnh vực chợ (bao gồm cả chợ đầu mối), 17 dự án lĩnh vực trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 4 dự án lĩnh vực hạ tầng logistics và 4 dự án lĩnh vực cửa hàng xăng dầu.

TP đã đầu tư xây mới, xây dựng lại, cải tạo sửa chữa 82 dự án chợ với tổng số 708,98 tỷ đồng. Tập trung triển khai xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của các huyện, thị xã trên địa bàn TP với các trung tâm thương mại lớn của TP.

Hiện, trên địa bàn TP có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ… Điều đáng nói, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại như: AEON Mall Long Biên, AEON Mall Hà Đông, Vincom Mega Mall, Lotte, hay chuỗi siêu thị Big C, BRG/Hapro mart, Co.opmart… đã hình thành.

Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... như: Winmart, Co.op Food, Sói Biển, Bác Tôm hay các siêu thị điện máy như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Media mart… Điều đó cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, mà còn hỗ trợ bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Các DN bán lẻ như: Hapro, AEON Mall, Winmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn.

Cũng theo bà Phương Lan, để hoàn thành mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. “Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Kế hoạch số 155/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về khắc phục tồn tại, hạn chế về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội, thời gian tới, TP Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.
Lễ khai mạc “Tuần lễ sản phẩm Hà Nội - Nghệ An 2022” thu hút hàng nghìn người
Cần tối ưu hoạt động thương mại điện tử
Hợp đồng điện tử sắp thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống?
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến
Nông sản Việt lan tỏa trong Talk show truyền hình

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.