Dự án thủy điện Đăk Pek, tỉnh Kon Tum

Tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng

Dự án (DA) thủy điện Đăk Pek, được đề xuất xây dựng trên địa bàn xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum khi đầu tư xây dựng sẽ có nhiều tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa, ổn định mái dốc, đào hầm ...
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng công trình DA thủy điện Đăk Pek tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa											     Ảnh T.Đ
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng công trình DA thủy điện Đăk Pek tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa. Ảnh T.Đ

Chưa có đánh giá tổng thể các công trình thủy điện liên quan đến DA

Tháng 5/2022, Bộ Công thương có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng lấy ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Đăk Pek. Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch do Cty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Tây Nguyên lập.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, DA thủy điện Đăk Pek, bố trí trên trên sông Đăk Pô Cô thuộc Quy hoạch thủy điện toàn quốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 1702/QĐ-BCT ngày 26/6/2020. Theo đó, DA có quy mô công suất 7,5MW nhưng trong mong muốn của chủ đầu tư cũng như văn bản của Bộ Công thương cho thấy các đơn vị này đang đề xuất nâng công suất từ 7,5MW lên 10,2MW.

DA thuộc hệ thống sông suối phân bố tương đối dày nhưng trong hồ sơ vẫn chưa có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện liên quan đến DA nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các DA thủy điện theo quy định. Theo khuyến cáo của các nhà đầu tư thủy điện thì DA cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan, như vậy mới đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vận hành an toàn công trình hồ, đập và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực DA.

Mặt khác, cần bổ sung các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối của DA vào lưới điện khu vực, nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và thuyết minh các nội dung về đầu tư xây dựng của DA đảm bảo các quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng. Đối với phương án thiết kế sơ bộ các hạng mục công trình: Hệ thống đập thủy điện, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, .. cần được nghiên cứu, thiết kế căn cứ trên số liệu điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn nhằm đảm bảo cơ sở đề ra các giải pháp thiết kế an toàn công trình và an toàn công trình lân cận trong khu vực DA.

Có nhiều tác động đến môi trường

Sau khi nhận được văn bản của Bộ Công thương, tháng 6/2022, Bộ Xây dựng đã có văn bản hồi đáp, nêu quan điểm: “Chưa có cơ sở đánh giá và xem xét việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện DA thủy điện Đăk Pek”.

Phân tích của Bộ Xây dựng cho thấy, cần làm rõ tính khả thi và hiệu quả của DA, trong đó có các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Kon Tum đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện khu vực. Đồng thời cần có phân tích, đánh giá đầy đủ về những khó khăn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế-xã hội của DA.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Đăk Pek, tỉnh Kon Tum đã thể hiện sơ bộ danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng. Tuy nhiên, cần rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Cùng với đó, cần bổ sung đánh giá tác động, dự báo tác động của DA tới các hoạt động kinh tế-xã hội, trong quá trình vận hành công trình cần đặc biệt lưu ý đến việc khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu an sinh của người dân khu vực hạ lưu.

Đối với việc sử dụng đất của DA cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đất đai cũng như các quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo các quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong văn bản gửi tới Bộ Công thương liên quan đến căn cứ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, DA thủy điện Đăk Pek, Bộ Xây dựng đưa ra quan điểm, DA có đặc thù nằm trong khu vực đồi núi, trải dài theo địa hình. Do vậy, khi đầu tư xây dựng sẽ có nhiều tác động đến môi trường. Đồng thời theo địa hình khu vực có gom, chuyển nước làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên và nhu cầu dùng nước của hạ du.

Việc xây dựng công trình tại khu vực suối dốc, đồi núi cao tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa, ổn định mái dốc, đào hầm, ... Vì vậy, cần có phân tích, đánh giá về tính đặc thù nêu trên của DA làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của DA.

Liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Đăk Pek cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để làm cơ sở chuẩn bị thu xếp nguồn vốn, lập kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của DA.

Về đề xuất nâng công suất từ 7,5MW lên 10,2MW, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, DA cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện. Bộ Công thương đánh giá và chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của DA nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.

Bộ Xây dựng chưa đồng tình điều chỉnh công suất và quy hoạch

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.