Xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ lành mạnh, minh bạch

Nghị định 153 sửa đổi sắp ban hành của Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải đăng ký và đưa trái phiếu này giao dịch qua sàn giao dịch chính thức, nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý thị trường trái phiếu, tăng minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia. Tuy nhiên, ai sẽ chịu trách nhiệm về tính minh bạch thông tin của trái phiếu niêm yết? Quyền lợi của nhà đầu tư cần đảm bảo thế nào khi mua trái phiếu doanh nghiệp?
Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế dự kiến được chính thức ban hành trong năm 2022 với quyết tâm hình thành, xây dựng và triển khai thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Nêu tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên, Invest ASEAN 2022, do chứng khoán Maybank tổ chức tại TP.HCM vào chiều 8/6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nền tảng hiện nay đã sẵn cho việc thành lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ lành mạnh, minh bạch
Ảnh minh hoạ

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối phân tích khách hàng cá nhân công ty chứng khoán Yuanta cho rằng đây là một giải pháp tích cực làm lành mạnh thị trường trái phiếu “vàng thau lẫn lộn” lâu nay:

"Một khi cái này nếu được thực hiện niêm yết cho trái phiếu và hướng tới thị trường thứ cấp cho trái phiếu thì điều này sẽ tăng thanh khoản trái phiếu hơn và sẽ được thị trường định giá ở mức phù hợp hơn so với giao dịch OTC hoặc giao dịch trên thị trường sơ cấp"

Liên quan chất lượng trái phiếu riêng lẻ được niêm yết trên sàn giao dịch thứ cấp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, dù khó khăn nhưng đây là điều bắt buộc để chuẩn hóa chất lượng thị trường:

"Nếu chỉ đầu tư vào trái phiếu niêm yết hay không niêm yết thì mọi người đều biết là ai dám đảm bảo đã niêm yết là là có khả năng trả nợ tốt. Nên việc công ty xếp hạng thị trường tín nhiệm dù còn rất mới nhưng sẽ hy vọng không chỉ giúp cho thị trường, cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư yếu thế nhỏ lẻ mà giúp cho cả doanh nghiệp phát hành nhìn nhận mình tốt hơn, xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ cơ quan quản lý để định hình các chính sách về mặt quy chuẩn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cho hợp lý"

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của đơn vị phát hành, cần có quy định để xử lý cả những đối tượng hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân vi phạm, như các công ty chứng khoán lôi kéo, mời chào, tư vấn không đúng khiến nhà đầu tư hiểu sai bản chất của trái phiếu riêng lẻ:

"Trong các đợt phát hành trái phiếu phải có thông tin xếp hạng tín nhiệm, yêu cầu có tài sản đảm bảo, cung cấp thông tin mục đích sử dụng vốn, để tăng độ minh bạch của trái phiếu đó."

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ là một trong những giải pháp lâu dài để ổn định tài chính vĩ mô và xây dựng kênh huy động vốn trung và dài hạn bền vững cho doanh nghiệp: "Các trái phiếu riêng lẻ thì chúng tôi sẽ thiết lập một sàn riêng để theo dõi, và như vậy, cùng với việc hoàn thiện Nghị định 153, cùng với việc xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, tiếp tới sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng Khoán".

Hiện phương án tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định 153 sửa đổi ban hành thì sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện và hướng đến vận hành thị trường.

Nhận diện đúng vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu doanh nghiệp
Thấy gì qua lượng trái phiếu phát hành 4 tháng đầu năm?

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.