Cần “đại tu” cầu Long Biên, không chỉ dừng ở giải pháp tình thế

Dù lắp “mắt thần” phạt nguội các phương tiện giao thông không được phép đi qua cầu, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế khi hàng ngày cây cầu hơn 120 tuổi vẫn oằn mình “gánh” hàng nghìn phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hình ảnh “lỗ thủng” trên cầu Long Biên ngày 28/5 được chắp vá bằng tấm bê tông.
Hình ảnh “lỗ thủng” trên cầu Long Biên ngày 28/5 được chắp vá bằng tấm bê tông.

Sau sự cố “thủng” mặt cầu Long Biên ngày 28/5, cụ thể là sập tấm đan mặt cầu thuộc nhịp cầu số 6, đơn vị quản lý là Tổng Cty Đường sắt đã nhanh chóng có nhiều giải pháp tháo gỡ. Đầu tiên đơn vị này thay thế tấm bê tông ở vị trí “thủng” để đảm bảo việc lưu thông của người dân. Đồng thời, đơn vị chỉ đạo điều chỉnh giảm tốc độ chạy tàu hỏa qua cầu từ 25 km/h xuống còn 15 km/h để giảm tải trọng qua cầu, gắn camera phạt nguội các phương tiện có tải trọng lớn như xe ba gác không được phép đi qua cầu. Theo số liệu kiểm tra qua “mắt thần” ngày 30/5, tổ kiểm tra của Tổng Cty Đường sắt đã đếm được 150 xe ba gác lưu thông qua cầu Long Biên. Đây là phương tiện chở hàng có tải trọng lớn không phù hợp để lưu thông qua cầu.

Nhiều người dân đánh giá, đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi thực trạng cây cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng sau 121 năm đưa vào khai thác. Nguyên nhân gây ra tình trạng hư hỏng mặt cầu được xác định do kết cấu của đường bộ hành và đường cho xe thô sơ đã cũ, chắp vá.

Nhiều vị trí tấm đan bị vỡ âm, mặt đường bộ xe thô sơ bị bong bật nhựa, tạo thành các ổ gà. Ngoài ra, các kết cấu thép đã mòn gỉ, các nút giữa dầm dọc và dầm ngang đường sắt, sơn bề mặt kết cấu bị bạc màu. Đó còn là ý thức của người tham gia giao thông khi đi xe máy lên làn đường bộ hành. Nguyên nhân chủ quan mà DN quản lý “kêu cứu” là do kinh phí bảo trì cầu rất hạn hẹp.

Cầu Long Biên đã trải qua nhiều đợt tu sửa, gần nhất năm 2015 với kinh phí 300 tỷ đồng. Đây cũng là đợt duy trì có kinh phí lịch sử, lớn gấp 3 lần tổng kinh phí hai đợt tu sửa lớn giai đoạn 1995 - 2010.

Với kinh phí “khủng”, nhưng sau 7 năm câu cầu đã ghi nhận sự xuống cấp nghiêm trọng và đang trở thành “mối nguy hiểm” rình rập người tham gia giao thông bất cứ lúc nào. Từ sự cố “thủng” cầu xảy ra vừa qua, rất mong muốn các ngành chức năng cần tập trung nhân lực và kinh phí để giải quyết các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây sụt, lún. Bên cạnh đó, cần gắn biển, cắm biển mới quy định cụ thể cấm các phương tiện không được phép qua cầu.

Những tấm đan bê tông được chắp vá chỉ là giải pháp tình thế, để cầu Long Biên bảo tồn và phát triển, cần có kế hoạch “đại tu” cầu Long Biên nếu vẫn giữ vai trò là một công trình giao thông. Và có thể tính phương án trùng tu, bảo tồn cây cầu lịch sử trở thành di tích “Bảo tàng ký ức thế kỷ XX”, nếu không sẽ không đảm bảo được an toàn giao thông khi TP Hà Nội triển khai xây dựng đề án bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch.

Xử lý nghiêm phương tiện thuộc diện cấm vẫn lưu thông qua cầu Long Biên
Bộ GTVT yêu cầu khắc phục ngay hư hỏng cầu Long Biên
Cận cảnh mắt thần xử lý vi phạm trên cầu Long Biên

Trí Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.