Từ chuyện ông bố “quên” con ở trạm nghỉ cao tốc, càng thấy tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc

Mới đây, trên một hội nhóm về xe cộ, tài khoản mạng xã hội có tên Nguyễn Văn Đúng (Đống Đa, Hà Nội) đăng tải bài viết gửi lời cảm ơn đến một tài xế xe container và một tài xế xe tải vì đã cho anh đi nhờ để quay ngược lại tìm con gái mà mình “bỏ quên” ở trạm nghỉ cao tốc.
Từ chuyện ông bố “quên” con ở trạm nghỉ cao tốc, càng thấy tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc
Anh Nguyễn Văn Đúng và con gái, các cháu trong chuyến du lịch. Ảnh: NVCC

Anh Đúng viết: "Em xin gửi lời cảm ơn đến 2 bác xe tải ngày hôm nay chạy trên cao tốc Hải Phòng. Vì quá vội nên em không kịp xem biển số xe của 2 bác. Em vào trạm dừng nghỉ V77 Hải Phòng, lúc lên xe thế nào lại quên cô con gái rượu, đi được mấy cây số mới nhớ ra. Em xuống xe đi bộ, trèo qua dải phân cách cao tốc, có bác nào thấy ngứa mắt nháy đèn thì thông cảm giúp em ạ, vì lúc đó em đang quá hoảng, mọi khi em đi rất cẩn thận. Một lần nữa em cảm ơn 2 bác xe tải đã cho em đi nhờ. Chúc 2 bác sức khỏe vạn dặm bình an.

Cảm ơn anh chị quản lý trạm dừng đã trò chuyện với cháu trong lúc chờ bố quay lại. Bố con em đã đoàn tụ và đang về Hà Nội rồi ạ. Mong rằng bác xe container chở cám có ở trên nhóm liên hệ với em nếu bị phạt nguội. Em xin chia sẻ với bác. Còn bác xe tải thì em được các anh trong trạm thu phí vẫy hộ và cho em xuống đúng trạm dừng nghỉ ạ".

Sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 14/6 khi anh Đúng đưa 7 cháu bé, gồm con gái và 6 cháu mình từ đảo Cô Tô về Hà Nội trên chiếc xe 9 chỗ ngồi. Khi về tới trạm dừng nghỉ V77 trên cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, bác tài đã dừng xe cho mọi người xuống nghỉ ngơi. Trong khoảng 20 phút ở đây, anh Đúng đã cho con và các cháu xuống đi vệ sinh, ăn uống.

Đến khi lên xe, bác tài hỏi đã đủ người chưa thì anh Đúng thấy các ghế ngồi trên xe đều đã kín chỗ như lúc đầu nên báo là đủ rồi, trong khi quên đếm con gái ngồi trong lòng bố. Xe đi được 5-6 km thì anh mới phát hiện ra mình quên con gái ở trạm dừng nghỉ.

Bác tài xế đoàn du lịch đã giúp anh liên hệ với người quản lý xe ở trạm dừng nghỉ và xác nhận con gái anh vẫn đang ở đó. Quá lo lắng nên anh Đúng đã xin bác tài xế cho xuống và một mình quay trở lại trạm dừng nghỉ V77 tìm con. Các nhân viên ở trạm dừng nghỉ đã giữ con gái anh Đúng lại, trấn an và mua đồ ăn vặt cho bé đợi bố.

Theo lời chia sẻ của anh Đúng, vì đang trên đường cao tốc lên anh phải trèo qua đường bên kia để vẫy xe đi nhờ. Các xe đều không dừng lại nhưng may sau đó, có một tài xế container chở cám đang đi ở làn trong cùng với tốc độ chậm đã tốt bụng dừng lại cho anh đi nhờ. Đi được một đoạn thì xe container phải rẽ vào đường khác nên bác tài xế đã cho anh xuống khu vực trạm thu phí. Bác tài xế này cũng nhờ người trong trạm thu phí bắt cho anh một chiếc xe khác để đi nhờ tiếp đến trạm dừng nghỉ. Cuối cùng, anh đã gặp lại con gái trong niềm vui mừng khôn xiết.

Bài viết của anh Đúng ngay sau khi đăng tải đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều người chúc mừng anh đã tìm được con gái, đồng thời nhắc nhở ông bố này lần sau phải nhớ theo sát con bởi một chút lơ là là bố mẹ có thể lạc mất con.

Từ câu chuyện của anh Đúng cũng như nhiều vụ bố mẹ chẳng may “quên” con hay con bị lạc bố mẹ, việc dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc, tránh bị bắt cóc là vô cùng cần thiết.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Trẻ không biết cảnh giác với người xấu như người lớn nên chỉ cần người lớn tươi cười, âu yếm, cho các em quà là các em tin đó là người tốt nên dễ dàng đi theo. Việc trẻ bị lạc bố mẹ càng trở thành đối tượng để những kẻ bắt cóc để ý tới”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cha mẹ và giáo viên là người gần gũi các em nhất nên phải luôn sát sao và dạy bảo, hướng dẫn con em, học sinh các kỹ năng khi bị lạc hoặc đột nhiên có người lạ rủ rê.

“Bố mẹ phải dạy con là người lạ có thể dụ dỗ để bắt con đi, các con sẽ bị đói, bị đánh đập cho con biết sợ người lạ, không tin họ và họ có rủ rê cũng không theo. Nói nhiều lần trẻ sẽ nhớ. Về phần nhà trường, giáo viên không nên chỉ nói cho học sinh hiểu vì chúng rất hay quên. Cô giáo phải soạn ra những kịch bản người lạ “quyến rũ” các cháu như thế nào? Ví dụ như cô giáo đóng giả làm người lạ chẳng hạn. Và cho các em học sinh đóng làm nạn nhân. Diễn cho các cháu xem người lạ rủ rê như thế nào và các cháu phải làm gì để không bị rủ đi. Xem như thế các cháu sẽ dễ nhớ hơn, cũng thích thú với trò đó hơn”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.

Từ chuyện ông bố “quên” con ở trạm nghỉ cao tốc, càng thấy tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc
Cha mẹ cần để tâm đến con cái khi ra ngoài, đồng thời thường xuyên giáo dục kỹ năng xử lý khi bị lạc cho các con để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi tình huống bị bắt cóc là việc giáo dục kỹ năng vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ. Việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Theo các chuyên gia, trẻ em rất mau quên nên cha mẹ phải thường xuyên nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất để trẻ ghi nhớ.

Cha mẹ có thể đặt câu hỏi “Khi bị lạc con sẽ làm gì?”. Sau khi trẻ trả lời, cha mẹ cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất và động viên trẻ phải ghi nhớ như con phải bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ bố mẹ quay lại tìm. Con cũng có thể tìm sự trợ giúp từ “những người lạ có thể tin tưởng” như chú bộ đội, chú công an, thầy cô giáo, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể nhờ giúp đỡ.

Cùng với đó, cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với “những người lạ có thể tin tưởng”.

Gia đình, nhà trường cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, nhận đồ từ người lạ hoặc đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà,… thì phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho người thân. Nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi thì phải khóc, kêu thật to "Cháu không quen cô/chú/bác, hãy thả cháu ra!" để gây sự chú ý với những người xung quanh.

Những đối tượng bắt cóc thường nhắm đến mục tiêu trẻ đi chơi một mình nên trẻ đi chơi cùng bạn bè, cha mẹ phải dặn trẻ luôn để mắt tới nhóm bạn, cha mẹ để tránh bị lạc. Bản thân cha mẹ cũng cần đặc biệt quan sát, để tâm đến con cái khi ra ngoài, tránh tình huống xấu xảy ra.

Giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên là nhiệm vụ hàng đầu
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đi vào tiết kỹ năng sống của học sinh
Trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho trẻ khi ở nhà một mình

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.