Nơi "thắp sáng" cho những mảnh đời bất hạnh

Sinh ra ai cũng mong được đủ đầy bố mẹ nhưng nhóm trẻ lại không được như vậy, các em bị bỏ rơi, tật nguyền,... Để bù đắp phần nào, nhiều người không cùng huyết thống đã làm “bố mẹ” chăm sóc các em không kể ngày đêm.
Nơi

Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Tại Cơ sở bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có thể gặp rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Trong căn phòng lớn ở tầng 2, khu chăm sóc trẻ đặc biệt, sau cánh cửa mở ra là cảnh tượng khiến người ta đi từ ngỡ ngàng tới đau lòng rơi nước mắt, giữa phòng là một dãy 4 chiếc nôi điện, có những em bé chỉ vài tháng tuổi đang say giấc nồng.

Bên trái có một dãy giường dành cho các em nhỏ vừa dậy sau giấc ngủ trưa, đang tập trung ăn bánh kẹo và nô đùa. Căn phòng nhỏ bị chắn bởi những thanh gỗ, một cậu bé có khuôn mặt ngây thơ đứng nhìn ra ngoài, thi thoảng chạy khắp phòng hoặc kêu lên những thanh âm vô nghĩa.

Những cô bảo mẫu đang tất bật, người lấy thuốc, người pha sữa, người thay bỉm cho các em bé, cho cả những bạn lớn nhưng không thể tự mình chăm sóc bản thân. Và các con đều gọi các cô bằng “mẹ”...

Trước khung cảnh ấy, có lẽ người mạnh mẽ nhất cũng không khỏi chạnh lòng. Một em bé chỉ mới 5 tháng tuổi, bị sứt môi, hở hàm bẩm sinh, có cánh tay nhỏ xíu và những ngón tay, ngón chân bị dính vào nhau, co quắp. Vì cơ thể không phát triển hoàn thiện, nên mỗi khi cho con ăn là mỗi lần những cô bảo mẫu chẳng thể cầm được nước mắt.

Cũng tại căn phòng này có những bạn đã 13-14 tuổi nhưng không thể đi lại, chỉ nằm một chỗ, ngày ngày ngắm nhìn những trẻ nhỏ nô đùa, khát khao được ngồi dậy, nhưng điều đó mãi là không thể. Có cậu bé tên Khánh, khoảng 6 tuổi, song thể trạng chỉ như đứa trẻ lên 4.

Nhìn qua có vẻ bình thường, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Quản lý, chăm sóc cho biết, mỗi khi có điều gì phật ý, Khánh thường lao từ trên giường xuống đất đập đầu liên hồi. Vì bị bại não thể nhẹ, Khánh có thể vận động bình thường nhưng lại không thể nói.

Theo lời bà Mai, trẻ ở khu chăm sóc đặc biệt này thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhưng thường chưa tự chăm sóc bản thân mình. Đó là trẻ tàn tật nặng; trẻ nhiễm HIV; trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi và có bố hoặc mẹ vi phạm pháp luật đang chấp hành hình phạt tù; trẻ khiếm thính,...

“Khổ nhất là khi các bạn nữ đến tuổi dậy thì, nhưng vì bị câm hoặc bại não nên các con không thể nói ra được. Các mẹ đành phải tự tay thay giặt cho”, bà Mai tâm sự.

Thắp sáng cuộc đời mới cho các em

Bà Nguyễn Thị Mai có 10 năm gắn bó với các bạn nhỏ nơi đây, chứng kiến bao lứa trẻ được bố mẹ nuôi đón về, tương lai đầy rộng mở, cũng có những trẻ cứ ở đây mãi, vì sức khỏe chẳng biết mai này ra sao. Nhớ lại ngày đầu tiên bắt tay vào công việc này sau nhiều năm làm công nhân mỏ, chính cách gọi “mẹ” đầy thân thương, trìu mến của lũ trẻ đã khiến cho bà Mai xúc động, không cầm được nước mắt.

Căn phòng với 23 trẻ, mỗi ca làm việc có 3 người, thế nhưng chẳng mấy khi các mẹ có thời gian rảnh rỗi. Nhiều đêm các bé nhỏ gắt ngủ, không chịu bế cũng chẳng chịu ăn, chỉ khóc. Có đợt dịch cúm, thủy đậu, cùng ngày nhiều bé nhập viện, gần chục mẹ lại phải thay nhau ở viện để chăm sóc, vì mỗi bạn một bệnh khác nhau, không cùng nằm chung phòng điều trị. Những lúc ấy, chuyện gia đình luôn phải xếp lại phía sau.

Mỗi ngày, tự tay chăm sóc các con, nhìn các con lớn lên, có những bạn học hết lớp 12, thi đậu đại học, rồi có công ăn việc làm tử tế, có chỗ đứng trong xã hội, bà Mai và các đồng nghiệp lấy đó làm niềm vui, là niềm tự hào trong câu chuyện kể lại cho lũ trẻ hàng ngày.

Những đứa trẻ lớn lên rồi sẽ có cuộc sống mới, có những trẻ sẽ tìm được cho mình gia đình mới để yêu thương, chăm sóc. Cuộc đời của chúng từ chỗ vô thừa nhận, nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ, truyền lửa của các mẹ nơi đây đã thực sự sang một trang mới.

Mẹ đơn thân bỏ lại bé trai sơ sinh ở cánh đồng
Đáng thương bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở khe cột viễn thông
Bé gái 10 ngày tuổi bị bỏ rơi trong thùng xốp ven đường

Thiên Hương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.