Hanoi Food Recused – “Biệt đội” giải cứu đồ ăn:

Bài 2: Sự sẻ chia làm thay đổi nhận thức

Cũng theo Uyên, trong quá trình trao đồ ăn cho người nghèo khó, không phải lúc nào người ta cũng vui vẻ đón nhận. Nhiều người khi được trao tặng đồ ăn – mặc dù các thành viên trong nhóm đã hết sức cố gắng tỏ thành ý cũng như sự trân trọng, nhưng họ vẫn gay gắt vì họ cho rằng, họ có đói cũng không bao giờ nhận đồ từ thiện…
Bài 2: Sự sẻ chia làm thay đổi nhận thức
Nhóm thiện nguyện mang kẹo, bánh lên cho các trẻ em vùng cao

Những suất ăn đầu tiên của nhóm đưa đến là xóm chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, Uyên cho biết, hầu hết mọi người đều rất vui mừng. Bên cạnh niềm vui mừng đó, là những nhận thức, những thay đổi trong suy nghĩ về cuộc sống, xã hội của những cô, cậu bé học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Có nhiều chuyến đi mà em gặp những cảnh ngộ, những con người mà chưa bao giờ em tưởng tượng được ra. Ví dụ như trong nhiều bạn bè em, kể cả em, nhiều khi những bữa ăn bố mẹ nấu sẵn với đầy đủ thịt cá vẫn khiến bọn em thấy không thích thú, cũng có lúc còn đòi hỏi nọ kia. Nhưng với những cảnh ngộ bọn em gặp, với họ chỉ là một bữa ăn no nhiều khi là một mơ ước. Nên khi nhìn họ háo hức ăn các món ăn lạ lẫm từ các nhà hàng, khách sạn 5* em muốn trào nước mắt…” – Uyên tâm sự.

Uyên còn nhớ trong 1 chuyến đi trao đồ ăn cho Trung tâm dạy nghề nhân đạo đào tạo việc làm cho trẻ em tàn tật ở khu vực Văn Chương – Đống Đa. Nơi đó dạy nghề cho trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc những em bỏ nhà đi. Đặc biệt theo Uyên, những bạn này đa phần bị khiếm khuyết về thân thể hoặc nhận thức.

Uyên kể, mặc dù buổi trao đồ ăn của nhóm đã được lên kế hoạch và báo trước lãnh đạo nhà trường. Nhưng khi đến nơi, những gì nhìn thấy vẫn khiến Uyên giật mình, lạ lẫm. “Bữa cơm của các em dọn ra đơn sơ chỉ có mấy miếng thịt kho mỏng và đĩa rau muống, thêm đĩa đậu rán. Có lẽ đây là bữa cơm tươm tất nhất các bạn ở đó được ăn... Và tiếp tục đi đến thăm nơi ăn, chốn ở của các bạn, em lại càng thấy mình thực sự may mắn”.

Thời tiết lúc ấy đã khá lạnh, không chỉ là Uyên, mà hầu hết các bạn bè em quen đều đầy đủ chăn ấm, nệm êm. Những bữa cơm đủ đầy cá thịt nhưng đôi khi vẫn không đủ hấp dẫn những cậu ấm, cô chiêu vui vẻ no bữa cơm chiều. Nhưng ở khu ký túc xá này, chỉ đơn giản đó là những bát cơm gạo rời rạc, miếng thịt cứng mỏng, đệm thêm chút rau xanh. Đó là những chiếc giường tầng thô sơ, manh chiếu nhỏ cùng chiếc chăn mỏng. Chiếc đèn trần tối hun hút không đủ soi rõ khuôn mặt người. Em không hiểu, với những thiếu thốn cuộc sống thế này, các bạn ấy đã sống, sinh hoạt và học tập ra sao.

Sau những chuyến đi ấy, Uyên cảm thấy mình may mắn, nhận thức xung quanh về những câu chuyện thường ngày cũng thay đổi. Em thấy mình có trách nhiệm hơn với tất cả những việc em làm. Từ những công việc đơn giản nhất như sử dụng đồ ăn, tận hưởng cuộc sống mình may mắn được hưởng hoặc thấy rõ hơn sự vất vả cũng như tình yêu thương vô bờ của bố mẹ dành cho mình.

Bài 2: Sự sẻ chia làm thay đổi nhận thức
Sự chân thành, sẻ chia là câu chuyện mà các em học sinh trong HFR học được trong mỗi hoạt động

Cũng như Uyên, Phương Phương, một cựu thành viên của nhóm HFR cho biết, trong thời gian theo chân nhóm HFR đi trao đồ ăn, em cũng gặp gỡ và rút ra nhiều kinh nghiệm cho chính cuộc sống của mình.

“Em nhớ có lần nhóm đến trao đồ ăn cho các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ban đầu bọn em nghĩ đơn giản là chỉ cần chuyên chở đến rồi nhờ các chị y tá, điều dưỡng đem đến cho bệnh nhân. Nhưng rồi có một chị y tá đã thẳng thắn góp ý với bọn em rằng, những lúc thế này, bọn em nên trực tiếp gặp bệnh nhân và trao tận tay ho” – Phương kể.

“Của cho không bằng cách cho” - đó là những điều mà các em học được. Phương cho biết, khi các em nghe lời chị y tá, đến trực tiếp trao những suất ăn cho bệnh nhân ung thư, các em cảm nhận rất rõ niềm vui của họ. Với những bệnh nhân nan y, cuộc sống đối với họ rất mong manh, những lần xạ trị, những vốc thuốc điều trị đã bào mòn sức khỏe cũng như tiền bạc của họ. Những suất ăn tuy nhỏ, nhưng đem lại cho họ sự ấm áp của tình sẻ chia, đem lại cho họ những niềm vui để tiếp tục sống và chống chọi với bệnh tật.

Sự tiếp xúc, bao câu chuyện và hình ảnh của những người kém may mắn ấy tác động rất lớn đến suy nghĩ, cũng như khiến các em trưởng thành hơn. Ý thức về trách nhiệm của mình trong cuộc sống cũng mạch lạc, rõ ràng hơn.

Về chuyện này, Uyên cũng cho biết, mẹ em không hề phản đối việc em tham gia những hội nhóm như HFR. Bởi có lẽ bố mẹ em cũng hiểu rằng, trách nhiệm với xã hội là điều mà các em nên có, nên biết. Sự va chạm, sự chứng kiến và gặp gỡ từ những chuyến đi khiến các em nhanh chóng thay đổi kể cả về nhận thức và lối sống. Trong cuộc sống cần có sự sẻ chia, đó là cái mà các em học được trong mỗi lần đem niềm vui cho những người không may mắn.

Việc làm của HFR đã tạo cảm hứng cho rất nhiều các nhóm nhỏ nảy nở và phát triển. Một số các nhóm hoạt động riêng lẻ như thu gom kẹo sau Tết để dành tặng cho các em vùng cao, hoặc những nhóm thu gom sách, truyện để làm thư viện cho các trường học vùng xâu, xa… đều được bắt nguồn từ HFR.

Vậy mới biết, ở bất cứ lứa tuổi nào, câu chuyện sẻ chia và thấu cảm luôn là những hành trang, những bài học lớn nhất để phát triển nhân cách của con người.

Bài 1: Những cô cậu học trò làm… việc lớn Bài 1: Những cô cậu học trò làm… việc lớn

Không ít người khó khăn, cơ nhỡ khi nhận được những suất đồ ăn được bọc gói cẩn thận, đầy hương vị lạ lẫm từ ...

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.