Tín hiệu vui của sân khấu tròn

Tăng suất chiếu (4 suất/ngày), sân khấu tròn với sức chứa 1.200 chỗ ngồi luôn chật kín khán giả là tín hiệu vui của nghệ thuật xiếc hiện nay. Trong đó, tiết mục xiếc thú do các nghệ sĩ xiếc thể hiện đã thổi làn gió mới trong hành trình chinh phục khán giả.
Tín hiệu vui của sân khấu tròn
Các nghệ sĩ "đội lốt" xiếc thú với nhiều hoạt cảnh vui nhộn, nhiều sắc màu

Ghi nhận trong dịp lễ Quốc tế thiếu nhi 1/6, sân khấu tròn với sức chứa 1.200 chỗ ngồi luôn chật kín khán giả, thậm chí vào những ngày cuối tuần, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải tăng suất chiếu (4 suất/ngày). Sau buổi sáng biểu diễn kết thúc, nghệ sĩ xiếc lại tất bật chuẩn bị cho lịch diễn mới. Dù lịch làm việc khá “căng” nhưng đối với các nghệ sĩ được khán giả yêu thương, ủng hộ là “món quà vô giá” giúp tiếp lửa cho tiết mục biểu diễn thăng hoa hơn.

Đã khá lâu rồi, sân khấu xiếc mới lại có không khí sôi động như vậy. Giữa thời điểm phim chiếu rạp thiếu nhi hầu hết là sản phẩm nhập khẩu thì ở sân khấu Thủ đô ghi nhận nỗ lực cống hiến, sáng tạo của các nghệ sĩ trong việc thu hút khán giả bằng các tác phẩm “made in Việt Nam”.

Chào đón mùa hè 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam giới thiệu khán giả tiết mục “Chúa tể rừng xanh”. Vở xiếc lấy cốt truyện từ cuốn sách Tiếng Việt lớp 1. Vở xiếc không chỉ kể lại câu chuyện của các loài thú trong rừng già còn đan xen các tiết mục xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ, xiếc lợn, xiếc chó, xiếc ngựa, xiếc vẹt, pa-tin, ảo thuật, tung hứng, xe chỉ, lắc vòng, đế kiếm trên lưng trâu, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng, quay thảm…

Theo NSND Tống Toàn Thắng (Phó GĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Chúa tể rừng xanh” bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào thứ 5 hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường.

Điểm đặc biệt của vở xiếc là việc đơn vị mạnh dạn đào tạo nghệ sĩ xiếc ngoài biểu diễn chuyên môn còn là nghệ sĩ đa năng biết diễn kịch, dẫn truyện, kết nối các tiết mục đơn lẻ so với tiết mục xiếc truyền thống bình thường để tạo sức hút khán giả.

Trước quy định công ước quốc tế về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc, các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu. Đáp ứng nhu cầu khán giả, các chương trình cần có sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn.

Khi được hỏi, việc chuyển đổi xiếc thú đòi hỏi các diễn viên phải có sự chuyển mình trước thời cuộc ra sao? NSND Tống Toàn Thắng cho hay: Trước đây, các nghệ sĩ huấn luyện động vật hoang dã với độ hung dữ, tạo sức lôi cuốn khán giả thì nay chuyển đổi sang huấn luyện vật nuôi, thú nuôi, thân thiện với môi trường, áp lực diễn xuất khác biệt, ngược lại, nghệ sĩ phải biết diễn giao lưu, gần gũi với thú nuôi, coi chúng là người bạn diễn sân khấu.

Thông qua hành động, cử chỉ, kỹ thuật của nghệ sĩ huấn luyện, các em nhỏ cảm nhận được tình yêu giữa con người với con vật. Từ những câu chuyện lồng ghép tạo ra bài học giá trị bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc.

Mặc dù ở giai đoạn đầu tiên, khán giả có thể thấy “khoảng trống” từ tiết mục xiếc thú khi không còn xuất hiện những “diễn viên xiếc hoang dã” như gấu, voi, hổ, sư tử,… bằng sự chuyển mình của các nghệ sĩ trong vai trò “đội lốt” động vật hoang dã sẽ lấp đầy khoảng trống đó, tạo màu sắc mới mẻ trên sân khấu tròn.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.