Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cần đồng bộ, hiệu quả

Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) cần quy hoạch khu nông nghiệp ƯDCNC, vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của TP.
Chăn nuôi đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân Thủ đô
Chăn nuôi đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân Thủ đô

Xu thế tất yếu

Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Giang cho biết, việc ƯDCNC trong chăn nuôi là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới nói chung, của Việt Nam và Hà Nội nói riêng. Theo số liệu, hiện nay, TP Hà Nội có 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp chăn nuôi - trồng trọt trong số 160 mô hình nông nghiệp ƯDCNC. Mô hình nông nghiệp ƯDCNC tập trung ở các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai, Đan Phượng...

Các trang trại chăn nuôi đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp công nghệ cao, vì thế 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng ƯDCNC. Một số mô hình ƯDCNC tiêu biểu là Cty CP giống gia súc Hà Nội, Cty CP giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh), HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì…

Công nghệ được áp dụng là công nghệ thông minh trong quản lý chăn nuôi, công nghệ chuồng kín có hệ thống điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi hay dây chuyền cho ăn và hệ thống uống nước tự động; nghiên cứu sản xuất phôi bò; các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến như CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học; công nghệ chăn nuôi tuần hoàn...

Các mô hình chăn nuôi ƯDCNC bước đầu đã đem lại kết quả tốt. Khi ƯDCNC vào sản xuất đã làm tăng đáng kể khối lượng sản phẩm, giảm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm, đem lại lãi và thu nhập cao hơn cho người chăn nuôi.

Theo ông Giang, nhìn chung các mô hình chăn nuôi ƯDCNC tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, góp phần đẩy nhanh tiến độ hình thành các vùng trọng điểm, các khu chăn nuôi tập trung, các trang trại và DN chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi ƯDCNC đang khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP.

Quy hoạch khu nông nghiệp ƯDCNC

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi năm 2019, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ đô thị hóa nhanh... Nhưng ngành nông nghiệp TP vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đảm bảo mục tiêu đề ra, trong đó lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội vẫn đứng top đầu của cả nước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trên địa bàn TP đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp ƯDCNC có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...

Hiện có 9 DN chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Cty Giống gia súc Hà Nội,...) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC. Các HTX cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở, số HTX ƯDCNC vào sản xuất là 122 HTX, trong đó có 3 HTX chăn nuôi, chiếm 2,5% số HTX sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn TP.

Ngoài ra, 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.

Nhìn chung các mô hình sản xuất chăn nuôi ƯDCNC hiện có trên địa bàn TP tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Bên cạnh đó cũng đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP.

Tuy nhiên, theo ông Sơn hiện nay việc ƯDCNC vào chăn nuôi hiện chưa đồng bộ, toàn phần mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Vì vậy, việc chứng nhận mô hình công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là những hạn chế trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ƯDCNC cần quy hoạch khu nông nghiệp ƯDCNC, vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của TP. “Cần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ƯDCNC vào sản xuất. Tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội cho biết, trong những năm tới chủ trương của TP Hà Nội khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung số lượng lớn hình thức công nghiệp và bán công nghiệp: Tăng số trang trại, số đầu vật nuôi/trang trại; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Bởi vậy ƯDCNC vào chăn nuôi để nâng cao sản lượng, giảm giá thành chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh là nhu cầu cần thiết.
Chăn nuôi an toàn là xu hướng hiện đại
Hà Nội: Đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi
Nông dân đua nhau nuôi loài thú lạ, thu lãi tiền tỷ hàng năm

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.