Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành:

Người thổi hồn vào“những con giống bột”

Nguyễn Văn Thành SN 1978, trưởng thành trong gia đình giàu truyền thống nặn tò he tại mảnh đất quê hương Xuân La, Phượng Dực (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Với niềm đam mê ‘‘con giống bột’’ từ nhỏ, anh vẫn luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo cùng với nhiệt huyết và tình yêu nghề của mình để đưa sản phẩm tò he quê hương tới đông đảo mọi người biết đến.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình đang nặn những sản phẩm tò he truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình đang nặn những sản phẩm tò he truyền thống

Người con nặng lòng với quê hương

Tò he là một trong số ít những trò chơi dân gian còn lưu truyền đến ngày nay. Những tác phẩm sinh động, đầy màu sắc, mang nét tươi vui rạng rỡ được thổi hồn từ chính đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nặn tò he.

Về với mảnh đất Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) không ai là không biết đến anh Nguyễn Văn Thành, một trong những nghệ nhân trẻ đầu tiên của làng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý ‘‘Nghệ nhân ưu tú’’. Anh là một người dễ gần, hoạt bát, có đức tính kiên trì, ham học hỏi. Chàng trai SN 1978 này hiện đang là Chủ nhiệm CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La. Khi nhắc về nguồn cội của làng nghề truyền thống nặn tò he, anh Thành tự hào cho biết: "Nơi đây là làng nghề truyền thống nặn tò he nổi tiếng và duy nhất tại Việt Nam’’.

Là người có công tìm lại sự sống cho làng nghề, anh Nguyễn Văn Thành luôn có một trăn trở làm sao để cho những con giống tò he có sức sống lâu bền và được nhiều người đón nhận hơn, nhất là với những cháu nhỏ. Suốt chặng đường dài gắn bó, anh Nguyễn Văn Thành đã có rất nhiều những chuyến lưu diễn, dự hội khác nhau trên khắp mọi miền đất nước để quảng bá về con giống làng nghề mình.

Anh cố gắng tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo, với nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu quê hương. Đi đến đâu, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành cũng mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn về mảnh đất đầy nắng và gió, nơi sản sinh ra nghề truyền thống nặn tò he nổi tiếng của quê hương mình. “Tôi làm mọi thứ chỉ mong mọi người có thể hiểu sâu hơn về giá trị đích thực của nghề. Tò he không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam”, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành tâm sự.

Lưu truyền nét đẹp nghề truyền thống

Tò he là một loại hình sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam, mang giá trị lịch sử lâu đời và ý nghĩa văn hóa lớn lao với truyền thống hơn 300 năm. Đây là một nghề được cha ông truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển cho tới ngày nay.

Đã có một thời gian nghề nặn tò he bị mai một, rất ít nghệ nhân làm, nhưng với mong muốn giữ nghề và phát huy truyền thống làng nghề, anh Nguyễn Văn Thành chính là người đưa ra ý tưởng và thành lập CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La. Đã có nhiều năm trong nghề, cùng tình yêu, mong muốn giữ và phát huy truyền thống làng nghề, anh Nguyễn Văn Thành là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhận được sự đồng thuận và tín nhiệm của người dân trong thôn. Cùng với những cộng sự của mình, anh Thành đã từng bước dẫn dắt và phát triển CLB từ năm 2009 nhằm mục đích bảo tồn, duy trì và phát triển giá trị di sản văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương.

Năm 2010 trong Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thành cùng các nghệ nhân khác trong CLB đã nặn ba sản phẩm kỷ lục là: Con rồng thời Lý nặng 300kg; Cụ rùa nặng 150kg và mâm ngũ quả nặng 25kg. Những sản phẩm này đã được rước tại công viên Bách Thảo để tham dự Lễ kỷ niệm làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, Hội Di sản văn Hóa Việt Nam ra quyết định thành lập Chi Hội trực thuộc, Trung tâm sách Kỷ lục Guinness Việt Nam trao chứng nhận “Làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất ở Việt Nam.

Để tiếp tục giữ lửa cho một làng nghề truyền thống, những nghệ nhân cùng người yêu tò he tại làng Xuân La bên cạnh bảo tồn và phục hồi những con giống cổ, họ vẫn đang từng ngày đổi mới trong cách nặn tò he, tìm tòi sáng tạo để đem lại sức sống lâu bền cho tò he. Nếu như ngày trước các đối tượng để nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, hình người trong truyện cổ tích,…thì bây giờ tò he phong phú hơn rất nhiều.

Ngoài ra, CLB đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách tham quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống.

Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt, để rồi hiện diện trong đời sống tinh thần của mỗi người dân như thức quà gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ trước.

Với nhiều thành công trong các hoạt động cùng hội thi tiêu biểu, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành và câu lạc bộ của anh đã có đóng góp lớn trong việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn về sản phẩm của quê hương mình. Từ đó, không chỉ trong nước mà còn hứa hẹn tạo ra cơ hội đưa sản phẩm tò he đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc.
Công nhận danh hiệu 5 làng nghề là "Làng nghề Hà Nội" và "Làng nghề truyền thống Hà Nội"
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh: Một thế kỷ, một tinh hoa
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn: Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa hơn
Hà Nội triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2022

Việt Hoàng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.