Nghệ nhân giữ lửa nghề làm đàn Đào Xá

“Trăm năm vang danh nghề đàn Đào Xá” nhưng cơn lốc đổi thay của nền kinh tế thị trường, nghề làm đàn truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Đến nay, cả làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chỉ còn duy nhất gia đình Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn còn lưu giữ nghề.
Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn hướng dẫn công đoạn làm nhạc cụ truyền thống. Ảnh Mộc Miên
Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn hướng dẫn công đoạn làm nhạc cụ truyền thống. Ảnh Mộc Miên

Kỹ thuật làm nên danh tiếng

Tương truyền, nghề đàn Đào Xá có từ hơn 200 năm trước do cụ tổ nghề Đào Xuân Lan đã hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những đàn tam, đàn tứ, tì bà... Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng ở cửa hàng trên TP. Từ đó nghề làm nhạc cụ trở thành nghề truyền thống. Các loại đàn được sản xuất ở đây gồm: đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà... cho đến những cây đàn nhị, đàn hồ, đàn líu.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, làng nghề vẫn lưu giữ được nét riêng của nghề làm đàn. Những cây đàn xuất xứ từ làng Đào Xá có mặt ở khắp các cửa hàng đàn lớn, nhỏ trong cả nước, không một cuộc thi nào, hội diễn âm nhạc nào lại vắng bóng nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra.

Các khách hàng “sành” chơi nhạc cụ dân tộc từ trong Nam ngoài Bắc thường tìm đến cây đàn được tạo ra từ chính đôi bàn tay của người thợ làng Đào Xá. Những thành quả đó không phải ngẫu nhiên có mà xuất phát từ chính con tim, khối óc của những người thợ yêu nghề vì nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện sản phẩm đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tài hoa của người thợ.

Có một điều lạ là các thợ đàn không một người nào được đào tạo qua trường nhạc mà biết nhạc lý hay đánh đàn, họ chỉ biết dựa vào những kiến thức của cha ông truyền lại. Đặc biệt hơn, để xác định âm sắc kim, thổ cho cây đàn thì chỉ dựa vào những kinh nghiệm gia truyền để tìm loại vật liệu làm sao cho phù hợp, không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.

Ngoài việc sản xuất đàn theo sản phẩm y nguyên truyền thống, những nghệ nhân còn chế tác theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng những khách hàng khó tính nhất.

Ông Đào Xuân Soạn kể, có nhiều bạn trẻ lặn lội về tận làng để đặt hàng theo yêu cầu. Ví dụ một bạn trẻ Hà Nội đặt đàn tranh (đàn thập lục), vì muốn phá cách trong dòng nhạc truyền thống nên yêu cầu thợ đàn chế tác 21 dây, khác nhiều so với cây đàn tranh có 16 dây truyền thống. Có lẽ, cái khó đối với nghề chế tác đàn cần năng khiếu âm nhạc và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trẻ, ông Soạn phải tự mình nghiên cứu và kinh nghiệm gia truyền của mình nới rộng khoảng cách, căn chỉnh dây phím sao cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo âm đàn chuẩn, chính xác.

Ông Đào Anh Tuấn - thế hệ kế cận trong việc duy trì, bảo tồn nghề làm nhạc cụ truyền thống tại làng Đào Xá. Ảnh Mộc Miên
Ông Đào Anh Tuấn - thế hệ kế cận trong việc duy trì, bảo tồn nghề làm nhạc cụ truyền thống tại làng Đào Xá. Ảnh Mộc Miên

Và những trăn trở làng nghề…

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm đàn, những lớp thợ “vàng” như ông Đào Xuân Soạn, vẫn còn đó nỗi niềm giữ cho tiếng thơm của làng nghề. Có thời điểm để vực dậy nghề đàn, ông Soạn đứng ra dạy nghề miễn phí cho người trong làng, những tốp, những nhóm con em họ hàng, người dân trong làng đều có nghề cả nhưng số người bám trụ với nghề đàn rất ít. Năm 2020, làng Đào Xá có 5 hộ gia đình duy trì làm nghề truyền thống thì nay chỉ còn duy nhất gia đình Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn giữ lửa nghề.

Bỏ nhiều tâm huyết để theo học và cải tiến kỹ thuật nghề, anh Đào Anh Tuấn – con trai ông Soạn hiện đã có hơn 10 năm nối nghiệp làm đàn truyền thống của gia đình và địa phương. Hiểu được những thăng trầm của làng nghề, anh càng quyết tâm duy trì, bảo tồn nghề truyền thống của quê hương.

Thực tế cho thấy, nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc là một nghề rất có tiềm năng để phát triển, nhất là khi thể loại âm nhạc dân gian như: Ca trù, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mới đây, dự án cộng đồng “Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội” do Thành đoàn Hà Nội triển khai sẽ là “đòn bẩy” trong công cuộc giữ gìn, phát huy nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, Nghệ nhân Đào Xuân Soạn, lớp thợ “vàng” của làng nghề Đào Xá, người gắn bó với nghề làm đàn gần nửa thế kỷ, vẫn đau đáu nỗi lòng bảo vệ và phát huy nghề làm nhạc cụ truyền thống. Bởi, nó không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn là nét đặc trưng lâu đời của quê hương.
Đặc sắc chuỗi hoạt động văn hóa phố cổ Hà Nội
Thánh thót tiếng đàn Đào Xá

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.