Huyện Phú Xuyên, Hà Nội:

Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Các làng nghề tại huyện Phú Xuyên đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống của người dân.
Cửa tiệm giầy Son Linh
Cửa tiệm giầy Son Linh

Phát triển làng nghề

Nghề làm giày da truyền thống xã Phú Yên được nhiều người biết đến từ thời Pháp thuộc. Theo như lời bác Nguyễn Minh Diên- chủ cửa hàng tiệm giầy Son Linh cho biết: “Vào năm 1926, cụ Nghé người đầu tiên đi học đóng giầy ở phố Tràng Tiền sau bao năm học nghề thì truyền lại cho cụ Nguyễn Lương Mạc. Cụ Mạc tiếp tục xuống Quảng Ninh mở tiệm đóng giày tại thời điểm đó thì nền kinh tế chưa được phát triển. Đến sau này người dân bắt đầu đi giày dép nhiều không chỉ thành phố mà ở nông thôn vùng sâu vùng xa”.

Toàn bộ các công đoạn sản xuất, từ cắt may, đóng đế, dán… đều được làm tại làng nghề với nguyên liệu 100% là hàng trong nước. Thế mạnh của giày da Phú Yên là dòng hàng giày công sở có độ bền cao, giá thành phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người tiêu dùng. Với sự tin tưởng của người tiêu dùng, dòng sản phẩm này trong những năm gần đây ngày càng mở rộng; chiếm ưu thế trên thị trường giày da trong nước.

Bác Diên- giới thiệu một vài quy trình sản xuất giày da
Bác Diên giới thiệu một vài quy trình sản xuất giày da

Cũng giống như làng nghề làm giày, làng may mặc Vân Từ mệnh danh “Đệ nhất comple ở miền Bắc” cũng có từ thập niên 20 của thế kỷ trước. Thế hệ những người thợ đầu tiên của làng là các cụ: Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Lai, Đào Thanh Dự… Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo, họ đã cho ra những bộ comple, veston nức tiếng chốn Kinh kỳ.

Nền kinh tế mở cửa, hàng hóa lưu thông mạnh hơn, đặc biệt là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin mà nhiều mối hàng lớn đã tìm về những cửa hàng may nhỏ lẻ ở Vân Từ đặt hàng. Từ đó nhiều Cty được thành lập, thậm chí có nhiều người còn mạnh dạn đi các tỉnh thành lập công ty, khiến cơ cấu kinh tế của Vân Từ có bước chuyển biến rõ rệt.

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Cty TTNHH may mặc Hùng Luyến, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp làng nghề chia sẻ: “Thành lập Cty từ năm 2009, trong quá trình sản xuất kinh doanh ở làng nghề này nguồn lao động có sẵn cùng với điều kiện xã hội mở cửa, ăn ngon mặc đẹp đúng với ngành nghề này. Hai năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng tuy nhiên Cty vẫn duy trì hoạt động với nhân lực 40 người. Mình làm trong lĩnh vực làm đẹp thời trang thì luôn đổi mới, xu thế ăn mặc đặc thù của làng nghề là đồ âu, vest nam, nữ”.

cửa tiệm may comple, veston lâu đời Hùng Luyến
Cửa tiệm may comple, veston Hùng Luyến

Ông Hùng cho biết thêm: “Không phải ai cũng có thể hoàn thiện sản phẩm một cách chuẩn xác nhất, phải có dây chuyền làm vệ tinh, đó là những người thợ rất tinh thông đến từ những người trong ngõ trong làng”. Nhưng comple veston cũng không phải được sản xuất mạnh, đều đặn quanh năm mà cũng có thời vụ riêng, đó chính là thời điểm cái lạnh ở miền Bắc xuất hiện, các hộ trong xã lại nô nức huy động nhân công để sản xuất với số lượng lớn.

Làng nghề may comple, veston Vân Từ là làng nghề đặc thù và có tiềm năng khai thác du lịch rất cao, ngay từ khi còn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), Vân Từ đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề nhưng phát triển du lịch ở Vân Từ vẫn còn khá khiêm tốn. Du lịch cũng chính là chiếc cầu nối để quảng bá thương hiệu comple, veston Vân Từ tới nhiều người hơn đặc biệt là du khách nước ngoài.

 Ông Hùng tâm sự mong muốn quảng bá thương hiệu comple, veston được nhiều người biết tới
Ông Hùng tâm sự mong muốn quảng bá thương hiệu comple, veston được nhiều người biết tới

Tối ưu hóa bảo vệ môi trường

Tiềm năng phát triển làng nghề song song với đó các làng nghề phải đối mặt với bất cập, khó khăn về môi trường, xử lý rác thải.

Hiện nay, phần lớn lượng rác thải, bã thải từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Tình trạng ô nhiễm môi trường như trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận.

Nguyên nhân của thực trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay là các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Mặt khác, làng nghề phát triển với nhiều loại hình đa dạng như: Chế biến thực phẩm, tái chế, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ, đan lát… làm đa dạng nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ sản xuất lạc hậu, chất thải chưa qua xử lý đã thải vào môi trường.

rác thải từ những vật liệu thừa của giày da, vải vóc
Rác thải từ những vật liệu thừa của giày da, vải vóc

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kể trên còn là do các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển tự phát và không có công nghệ xử lý chất thải. Bên cạnh đó, ý thức của chính người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề…

Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng huyện Phú Xuyên đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Ưu tiên đầu tiên trong các kế hoạch bảo vệ môi trường là hạn chế rác thải từ những hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tất cả nguồn nước, chất thải trong chu trình sản xuất ở các làng nghề truyền thống phải được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới Nhân dân; khuyến khích các địa phương xây dựng quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề…

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Hà Nội: Tăng năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường
Hà Nội triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2022
Tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển

Thiên Hương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.