Kiểm soát nguồn vốn cho bất động sản để phát triển bền vững thị trường

Mới đây, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng về việc sẽ kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch huy động vốn như thế nào để đảm bảo tiến độ kinh doanh? Làm thế nào để lành mạnh hóa thị trường, củng cố niềm tin của nhà đầu tư?
Kiểm soát nguồn vốn cho bất động sản để phát triển bền vững thị trường
Kiểm soát nguồn vốn cho bất động sản

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, khoảng 70% vốn đầu tư của 90% doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi NHNN siết chặt tín dụng theo lộ trình, lãi suất cho vay được đẩy lên cao từ 11 - 12%/năm. Nguồn vốn trung và dài hạn giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… nên các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thách thức lớn về nguồn vốn.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài Chính cho rằng để thị trường bất động sản phát triển cần làm lành mạnh hoá mối quan hệ giữa tín dụng ngân hàng với bất động sản thay vì siết chặt tín dụng.

Thị trường bất động sản cơ bản vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, bản thân ngân hàng và bất động sản đã đồng hành với nhau từ rất lâu. Nhưng trong mối quan hệ đó đã có những tiêu cực. Như vậy ở đây vấn đề không phải siết chặt, kiểm soát hay thắt chặt tín dụng vào bất động sản mà cần lành mạnh hoá mối quan hệ này.

Trước khó khăn về nguồn vốn qua tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tìm kiếm các dòng tiền mới thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng từ việc thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu và cổ phiếu của một số doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định " Dòng vốn các ngân hàng cho vay bất động sản càng ngày càng bị thắt chặt, bên cạnh đó hệ số rủi ro cho kinh doanh bất động sản vẫn ở mức cao là 200%. Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn khuyến cáo các ngân hàng cẩn trọng trong vấn đề cho vay bất động sản, không để tạo ra bong bóng, tôi nghĩ tất cả những điều chỉnh đó sẽ tạo ra một thị trường bất động sản lành mạnh hơn.

Theo các chuyên gia, để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch, góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế thì các chính sách quản lý không thể lỏng lẻo nhưng cũng không nên quá thắt chặt dẫn đến sự triệt tiêu những động lực và cơ hội phát triển của thị trường."

TS Nguyễn Minh Phong cho biết:"Trái phiếu cho phép doanh nghiệp BĐS tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn xã hội với giá rẻ không thông qua ngân hàng, khâu trung gian. Lời ăn lỗ chịu cùng với cả nhà đầu tư. Đây là một trong những cái có thể nói là quý nhất của thị trường này. Trong xu hướng thế giới hiện đại, trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn là vốn vay ngân hàng, đặc biệt đối với bất động sản. Đây là một cái cần phải tiếp tục duy trì, bảo vệ để phát triển và khẳng định mình trong tương lai."

TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh, kênh huy động vốn cho thị trường thông qua trái phiếu vẫn rất quan trọng với doanh nghiệp trong trung và dài hạn"Vốn trung dài hạn của Ngân hàng cũng chỉ bằng trái phiếu thôi là 20% thôi. Nên 20% là vô cùng quý giá vì nó là trung và dài hạn, không riêng bất động sản mà bất cứ thứ gì. Tôi xin nhấn mạnh rằng thị trường trái phiếu vô cùng quan trọng đối với bất động sản nói riêng và đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung. "

Các chuyên gia cũng cho rằng trước những thông tin tiêu cực đang lan tỏa trên thị trường, giải pháp cả trước mắt và lâu dài đều cần hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản phát triển, dựa trên đa dạng dòng vốn, tháo gỡ các vướng mắc để phát triển lâu dài.

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.