Để không tạo rào cản sau khi điều chỉnh Quy hoạch chung

Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Hồng với khu vực nông thôn có hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn, việc rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hà Nội đang tiến hành rà soát để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt từ năm 2011.
Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã giúp Hà Nội trở thành một Thủ đô có nhiều cây xanh mát
Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã giúp Hà Nội trở thành một Thủ đô có nhiều cây xanh mát

Đến nay đã tròn 14 năm mở rộng địa giới hành chính và 11 năm thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế cần phải xem xét trong lần điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây.

Sau 10 năm triển khai quy hoạch chung, dù đã nỗ lực cố gắng, việc phủ kín quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính là không thể và có nhiều bất cập, cần phải xem xét trong tổ chức thực hiện quy hoạch trong giai đoạn tới.

Với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung các huyện, các đô thị, rất nhiều quy hoạch phân khu và khoảng 700 đồ án quy hoạch chi tiết, 300 quy hoạch nông thôn mới các xã… có thể thấy hệ thống quy hoạch của Hà Nội quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất là rào cản, mâu thuẫn trong công tác quản lý.

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường cho rằng, quy hoạch tổng thể không gắn với thực hiện quy hoạch. Quy hoạch chung thực hiện khá đầy đủ nội dung, thể hiện tầm nhìn, giải quyết vấn đề thực tiễn. Nhưng đánh giá 10 năm thực hiện quy hoạch cho thấy vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch còn khá nhiều tồn tại, từ đó cho thấy đề xuất các giải pháp quy hoạch cần phải có những ràng buộc pháp luật.

Quy hoạch đặt ra định hướng cấu trúc dân số, lao động, cơ cấu chức năng quy hoạch nhưng đến nay vẫn tập trung chủ yếu ở trung tâm. Quy hoạch đặt ra phải phát triển hệ thống các trung tâm phân tán của Thủ đô, của quốc gia, nhưng đến nay vẫn cơ bản giữ nguyên.

Quy hoạch đặt ra phải phát triển cấu trúc hạ tầng và vành đai, nhưng sau nhiều nỗ lực chỉ cải tạo được một phần hạ tầng khu vực nội đô, hạ tầng vành đai mở rộng chưa được thực hiện. Chương trình phát triển đô thị không có dẫn tới việc nâng cấp huyện lên quận và thành lập TP còn nhiều lúng túng.

Bộ máy quản lý đô thị các cấp không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là vấn đề nguồn lực và cơ chế chính sách chưa rõ ràng đã làm rào cản khá nhiều cho thực tế phát triển. Từ thực tiễn triển khai quy hoạch cho thấy, việc hiểu cứng nhắc một số nội dung thể hiện trong bản vẽ, thuyết minh, quy định quản lý và các quy định pháp luật có liên quan dẫn tới quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, chậm triển khai, phát sinh quá nhiều thủ tục không cần thiết.

Đặc biệt các quy hoạch gắn với những quy định pháp luật chuyên ngành đã lập nhiều rào cản cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Do đó, khi Hà Nội triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung, cần phải tính đến việc điều chỉnh hệ thống quy hoạch hiện hành, cái gì nên kế thừa, cái gì nên thay đổi, xóa bỏ, nếu không muốn tạo nên rào cản rất lớn cho giai đoạn 10 năm tiếp theo sau khi điều chỉnh Quy hoạch chung.

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.