Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm: Phục hồi trên nhiều lĩnh vực

Tổng cục Thống kê vừa công bố về bức tranh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Dịch Covid-19 được kiểm soát, Chương trình phục hồi kinh tế được triển khai mạnh mẽ, giúp kinh tế - xã hội phục hồi trên nhiều lĩnh vực.
Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực
Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Nhiều tín hiệu tích cực

Từ những số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, trong 5 tháng đầu năm 2022, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 516 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỉ USD; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147.800 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4%, còn cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019. Đáng chú ý Bắc Giang còn tăng 43%, Bắc Ninh là 20%, trên nền tháng 5 năm ngoái bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 khi tăng tới 22,6% so với cùng kỳ, tức là quy mô tăng cũng cao hơn cả cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Một dấu hiệu khác cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn là trong tháng 5, số lượng DN thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua: 13,4 nghìn DN thành lập mới; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98,6 nghìn DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022 - tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng từ đầu năm nay có 19,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường.

Đặc biệt, quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, dù cao hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%. Vận tải hành khách tháng 5 khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7%.

Ngành du lịch có sức bật ấn tượng

Theo Tổng cục Thống kê, một trong những điểm nhấn của tháng 5 là ngành dịch vụ, trong đó sức bật ấn tượng nhất là ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đã tăng đến hơn 70% so với tháng 4 và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 173.000 lượt người. Đây là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 365.000 lượt, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, lượng khách đến từ châu Úc và châu Mỹ là tăng mạnh nhất, lần lượt với các mức tăng là hơn 2.900% và trên 2.100%, tiếp sau đó là khách đến từ châu Âu, tăng hơn 975%.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã đón hơn 6 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt hơn 126 nghìn lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt hơn 6,4 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Sở Du lịch Hà Nội cũng dự kiến, 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 8,61 triệu lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 211.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của TP như: Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Đặc biệt, ngành du lịch sẽ phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư xây dựng, thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó GĐ Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, các đường bay quốc tế được nối lại, tạm dừng yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt là những lý do thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam. Đặc biệt, việc nước ta đăng cai tổ chức SEA GAMES 31 trong tháng 5 cũng thu hút một lượng lớn các đoàn thể thao, cổ động viên trong khu vực đến tham gia thi đấu kết hợp du lịch, trong đó, tại Hà Nội - nơi diễn ra nhiều môn thi đấu nhất, thu hút 85.000 lượt khách quốc tế trong tháng 5.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.