Phát huy vốn di sản văn hóa đa dạng của Hà Nội:

Phát triển du lịch thành ngành công nghiệp văn hóa

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội đang nhận diện các tiềm năng, thế mạnh trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa để triển khai, thực hiện và khai thác thế mạnh về tiêm năng di sản văn hóa của Thủ đô.
Hà Nội có nhiều những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực
Hà Nội có nhiều những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực

Tiền năng di sản văn hóa chưa được khai thác xứng tầm

Hà Nội được đánh giá là trung tâm du lịch lớn, nơi tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía bắc và cả nước. Đồng thời, Thủ đô luôn nằm trong danh sách bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, định hướng du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội. Thương hiệu du lịch văn hoá Hà Nội được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.

Sở cũng triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ… nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao. Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Trong dịp diễn ra SEA Games 31, sau khoảng thời gian dài ảm đạm vì dịch bệnh, du lịch Thủ đô bước đầu có những con số ấn tượng. Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội thông báo, TP đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú.

TS. Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhận định, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có, đa dạng nhất của quốc gia.

Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có: 5.922 di tích lịch sử văn hoá; 1.793 di sản văn hoá phi vật thể gồm (1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian…); hơn 1.300 làng nghề, trong đó riêng làng nghề thủ công mỹ nghệ là 92 và có khoảng 1/3 nghệ nhân dân gian của cả nước.

Các chuyên gia và hiệp hội làng nghề đánh giá Hà Nội là một trong số rất ít Thủ đô có số lượng làng nghề phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều làng nghề trên 1.000 năm tuổi. Đây là những tài sản vô cùng quý mà TP cần phát huy và khai thác.

Ngoài ra Hà Nội có nền ẩm thực đặc sắc với nhiều món ăn hấp dẫn như: Bánh cuốn Thanh trì, phở Hà Nội, bún thang, nem, chả cá, giò chả Ước Lễ, bánh cốm Hàng Than… Nhờ đó, Hà Nội đã được nhiều tạp chí quốc tế bình chọn Top các TP có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

Du lịch văn hóa Hà Nội với nhiều điểm di tích nổi tiếng như: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, di tích nhà tù Hỏa Lò; ngoài ra còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng...

Nhằm góp phần vào quá trình xây dựng thương hiệu du lịch văn hoá. Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể. Đẩy mạnh các nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa. Đồng thời, tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, TP sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu.

Luật hóa các quy định trong lĩnh vực du lịch

Nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cũng như tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Việc cụ thể hóa các chủ chương, chính sách pháp luật cũng nhằm làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo kỷ cương, chủ động phòng, chống mọi hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực Du lịch như: Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Du lịch; Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo; Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch… được ban hành góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch phát triển.

Vì vậy, để phát triển du lịch thành ngành công nghiệp văn hoá, về lâu dài kỳ vọng hướng tới xuất khẩu văn hóa, thì ngay từ bây giờ Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hoá. Đồng thời Hà Hội cũng cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hoá trong kinh tế. Xã hội hoá quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định, nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hoá. Để phát triển di sản văn hóa thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống.

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.