Dự định ngày về của nam phạm nhân gây trọng tội với anh trai

Mâu thuẫn với anh trai vì những điều nhỏ nhặt, nhưng Trịnh Văn Khang, SN 1962, trú tại Hải Hậu, Nam Định đã không giữ được mình, xuống tay gây trọng tội. Lĩnh án chung thân về tội Giết người, người đàn ông này bừng tỉnh khi tội lỗi của mình gây ra quá lớn...
Phạm nhân Trịnh Văn Khang bảo rằng sẽ cải tạo tốt để về tạ lỗi với anh trai và gia đình
Phạm nhân Trịnh Văn Khang bảo rằng sẽ cải tạo tốt để về tạ lỗi với anh trai và gia đình

Nóng giận khiến ngày giỗ cho cũng trở thành ngày giỗ của anh trai

Theo tâm sự của phạm nhân Trịnh Văn Khang thì anh ta là con út trong một gia đình công giáo, nhà có 3 anh em trai. Anh trai cả lập nghiệp ở Hà Nội, ít về nhà do bỏ vợ cả lấy vợ hai nên bị bố mẹ từ mặt. Nam phạm nhân này giải thích rằng với người theo đạo công giáo, chuyện vợ chồng bỏ nhau để lấy người khác là điều cấm kỵ. Anh trai Khang đã phạm vào điều cấm kỵ đó nên bị bố mẹ ghét, từ đó chỉ về quê khi có việc cần kíp còn thì rất hạn chế về thăm gia đình. Khang là con út nhưng từ khi lập gia đình lại sống cùng bố mẹ trên đất của ông bà. Chính vì thế mà sau khi bố mẹ Khang “hai năm mươi về già”, anh ta được giao trọng trách hàng năm phải có trách nhiệm cúng giỗ.

Theo lời Khang thì những năm trước, chuyện vợ chồng anh ta làm cơm cúng giỗ, mời họ hàng đến ăn uống đều là bình thường nhưng một hai năm gần ngày xảy ra chuyện, anh trai Khang đã không cho điều đó là đúng. “Vợ chồng tôi quanh năm chỉ biết làm ruộng, nông nhàn thì đi làm thuê nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Kinh tế nhà anh Quang thì khá hơn vì có đông con trai lại từng có thời gian đi làm vàng. Chuyện anh em tôi mâu thuẫn cũng xảy ra một hai năm rồi nhưng cũng chỉ là lời qua tiếng lại và không nói chuyện với nhau thôi”, Khang kể.

Theo lời Khang, xảy ra chuyện là ngày giỗ bố anh ta. Hôm đó vợ chồng Khang tổ chức giỗ bố nên có làm cơm cúng và mời cô dì chú bác trong họ hàng tới ăn uống. Vợ chồng anh trai Khang là anh Quang cũng tới dự. Trong lúc ăn cơm, Khang và anh trai có tranh luận vài điều, vì không cùng quan điểm nên dẫn tới đôi co, lời qua tiếng lại. Sợ mất hòa khí gia đình, những người có mặt đã can ngăn. Anh Quang giận dữ bỏ về còn Khang vào buồng nằm ngủ.

Đến khoảng 2h chiều, Khang ngủ dậy, ra bàn ngồi uống nước. Lúc này vợ con Khanh đi vắng cả. Trong lúc đang nghĩ vơ vẩn, Khang giật mình khi thấy anh trai cùng hai con cầm gậy chạy vào đánh tới tấp. Bị đánh bất ngờ, Khang chỉ biết ôm đầu chống đỡ song dường như anh trai và hai người con vẫn chưa hả cơn giận. Họ tiếp tục xông vào đánh Khang không chỉ rách đầu phải khâu 6 mũi và một nhát đâm xuyên vai xuống phổi.

Dường như chỉ đến khi ấy cơn giận dữ trong người Khang không còn kìm nén được nên khi ngã xuống sàn nhà, Khang kịp nhìn thấy con dao cắt chanh nên đã vơ lấy, đâm ngược lên. Oan nghiệt thay mũi dao ấy đã đâm trúng người anh trai và cướp đi tính mạng của người đàn ông này. Kết cục là sau trận ẩu đả không ai ngờ tới ấy, anh Quang thiệt mạng còn Khang phải nằm bệnh viện 3 tháng điều trị vết thương rồi mới hầu tòa. Bị kết án chung thân, Trịnh Văn Khang về trại giam Nam Hà cải tạo bản án chung thân.

Mong được về tạ lỗi với người thân

Vào trại giam cải tạo khi tuổi đã cao, Khang được sắp xếp lao động ở đội trực sinh, công việc chính là quét dọn, nhổ cỏ vườn cây cảnh ở khu trung tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây do vết thương cũ tái phát, bản thân lại mắc một số bệnh khác nên Khang về đội bệnh xá, chủ yếu là nằm bệnh xá điều trị bệnh về cột sống, thoái hóa khớp. “Tôi chỉ có một niềm an ủi là vợ con tôi đã không bỏ rơi tôi lúc hoạn nạn. Hàng tháng các con tôi lại luân phiên vào thăm. Chúng nó đưa cả các cháu vào thăm ông nữa”, Khang kể.

Đi tù khi con cái đã trưởng thành, còn lên chức ông nội, ông ngoại, Khang không khỏi day dứt. Ông ta bảo ngày mới bị bắt, Khang không biết anh trai mình thiệt mạng vì suốt mấy tháng nằm viện, mọi người đều giấu không cho Khang biết. Chỉ đến khi ra trước vành móng ngựa, Khang mới biết anh trai mình không còn nữa. Nghe tòa luận tội, nghe chủ tọa phiên tòa cho biết gia đình bị hại đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, Khang chỉ muốn không sống nữa để khỏi phải nghe những lời đau xót ấy. “Tôi không biết anh Quang thiệt mạng, càng không biết vợ tôi đã sang nhà xin lỗi và chị dâu tôi đã mở lượng hải hà xin giảm nhẹ tội cho tôi. Mặc dù tôi không phải chịu mức án cao nhất nhưng cơ hội sống như bây giờ chẳng khác nào hình phạt nghiêm khắc nhất. Lương tâm tôi chưa khi nào hết giày vò”, Khang bộc bạch.

Hơn chục năm trong trại cải tạo, phạm nhân Trịnh Văn Khang bảo mình đã được xuống án có thời hạn và như thế ngày về của anh ta sẽ rất gần. “Tôi được may mắn là khi đi cải tạo, 6 đứa con đều thông cảm, chia sẻ cho bố. Vợ cũng gạt qua hết những tiếng tăm xấu để lo kinh phí, bồi hoàn 1 phần tổn thất cho gia đình anh trai. Không những thế, vợ và các con còn thay nhau lên trại thăm tôi. Như vậy, đối với tôi đã được an ủi phần lớn rồi. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là cầu nguyện cho mình có đủ sức khỏe để đi hết thời gian chịu phạt vì tội lỗi của mình. Và tôi cũng mong sao có cơ hội để về tạ lỗi với anh ấy”, Phạm nhân Trịnh Văn Khang tâm sự.

Nguyễn Vũ - Hà My

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.