Từ vụ kiện với lý do vi phạm Luật Tiếp cận thông tin

Tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị. Theo quy định tại Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan Nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận...
Quang cảnh phiên tòa
Quang cảnh phiên tòa

Vụ khởi kiện đầu tiên...

Ngày 20/4, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án yêu cầu hủy quyết định hành chính về việc trả lời công dân, từ chối cung cấp thông tin. Ông Nguyễn Văn Bình, trú tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, là người khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh, buộc tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giải quyết cung cấp thông tin theo phiếu yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô của cố doanh nhân Tư Hường.

Trong đơn khởi kiện, ông Bình đề nghị tòa tuyên hủy Văn bản số 5898 ngày 16/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hủy thông báo của Văn phòng UBND tỉnh do vi phạm hình thức và nội dung trong việc từ chối cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf 18 lỗ cấp cho Cty TNHH Hoàn Cầu; tuyên hủy thông báo của Văn phòng UBND tỉnh về việc từ chối cung cấp thông tin nói trên vì lý do tương tự.

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Bình cho rằng, suốt quá trình đối thoại và tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn không biết được sự thật là có hay không có giấy chứng nhận đầu tư cho sân golf 18 lỗ. Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, tổ chức đối thoại để cung cấp giấy chứng nhận nói trên. Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, giấy chứng nhận đầu tư sân golf 18 lỗ không có trong hệ thống văn bản của tỉnh Khánh Hòa, không phải tài liệu phải được công bố công khai.

Được biết, liên quan đến dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, người dân đã khiếu kiện kéo dài. Tháng 8/2020, Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án này.

Ngày 13/4/2020, ông Nguyễn Văn Bình gửi phiếu yêu cầu đến UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf 18 lỗ đã cấp cho Cty TNHH Hoàn Cầu tại dự án kể trên và giấy thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với sân golf 18 lỗ. Ngày 16/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân ký Công văn 5898 trả lời theo hướng từ chối cung cấp văn bản nói trên.

Ngày 24/6/2020, ông Bình khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì vi phạm Luật Tiếp cận thông tin, các luật khác và đã được TAND tỉnh thụ lý. Ngày 10/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn thu hồi và hủy văn bản hành chính với lý do chưa phù hợp về thể thức văn bản. Ngày 14/1/2022, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có Thông báo số 36/TB-VP-UBND từ chối giải quyết việc cung cấp thông tin.

HĐXX nhận định, nội dung khiếu kiện Quyết định số 5898 khi UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi nên "đối tượng khởi kiện" không còn nữa nên tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Bình đối với đề nghị tuyên hủy Văn bản số 5898.

Có thể nói, đây là vụ kiện hành chính đầu tiên được người dân tiến hành để buộc cơ quan Nhà nước đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của mình theo luật định.

Là một trong các quyền cơ bản

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước.

Nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (như thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng,...). Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện.

Trên thực tế, phạm vi thông tin được công khai, hình thức công khai thông tin cũng như quy trình, thủ tục tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin theo yêu cầu tại các cơ quan Nhà nước chưa được thực hiện thống nhất, còn phụ thuộc vào quyết định của từng cơ quan và thái độ phục vụ của công chức trực tiếp tiếp nhận yêu cầu. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin còn nhiều bất cập đã dẫn đến nhiều hệ lụy như một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Việc cơ quan Nhà nước không cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong một số trường hợp đã tạo cơ hội cho những thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.

Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Theo quy định tại Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan Nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận (quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin); được tiếp cận có điều kiện (quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin).

Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin quy định thông tin công dân không được tiếp cận, gồm:

1. Thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật Nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

2. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan Nhà nước; tài liệu do cơ quan Nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.