THADS huyện Mê Linh:

Bảo đảm giải quyết hồ sơ thi hành án đúng quy định

Một trong những yêu cầu cụ thể mà cải cách tư pháp hướng đến chính là khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi hành án nói chung và THADS nói riêng. Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS trên địa bàn huyện trong tình hình mới. Ban chỉ đạo THADS huyện Mê Linh được kiện toàn theo Quyết định số 987/QĐ-UBND, ngày 18/3/2022 của Chủ tịch UBND huyện.
THADS huyện Mê Linh họp bàn chỉ đạo tổ chức cưỡng chế THADS                                                                       Ảnh: Lê Văn Tấn
THADS huyện Mê Linh họp bàn chỉ đạo tổ chức cưỡng chế THADS. Ảnh: Lê Văn Tấn

Khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

THADS là công đoạn cuối cùng, liên tục của quá trình tố tụng nhằm hiện thực hóa bản án, quyết định của tòa án; thực thi công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, công dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển KT-XH.

Theo đồng chí Trần Thị Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Mê Linh, công tác THADS năm 2021, đơn vị phải giải quyết 1.466 việc/1.289.567.259 nghìn đồng; Thi hành xong 801 việc/236.828.722 nghìn đồng, đạt tỉ lệ về việc 70.45% (giảm 9.76% so với cùng kỳ năm 2020), còn thiếu 11.1% so với chỉ tiêu được Cục THADS TP Hà Nội giao năm 2021; đạt tỉ lệ về tiền 51% (tăng 12.% so với cùng kỳ năm 2020), vượt so với chỉ tiêu được giao là 10%.

Năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác THADS, dù thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện áp lực công việc rất lớn, số việc, tiền phải tổ chức thi hành án tiếp tục tăng cao trong điều kiện chỉ tiêu, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nhưng cơ quan THADS đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; không để xảy ra việc bồi thường Nhà nước trong hoạt động THADS.

Việc xác minh, phân loại án, kê biên, định giá, xử lý tài sản thi hành án được thực hiện chặt chẽ; đã tổ chức cưỡng chế được một số việc đối với người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Công tác tự kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.

Công tác THADS tại địa bàn tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Kết quả công tác năm 2021, Chi cục THADS huyện Mê Linh đã làm tốt công tác tổ chức xây dựng đơn vị. Trong công tác chuyên môn đảm bảo giải quyết hồ sơ thi hành án cơ bản đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS của huyện Mê Linh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện, trong năm công tác 2022, xác định việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là hết sức nặng nề, số việc, tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao (về tiền tăng gần 1.000% so với cùng kỳ năm 2021), toàn thể cán bộ công chức đơn vị trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Đồng thời, tiếp tục nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chủ động đưa ra các giải pháp mang tính quyết liệt, sáng tạo và đột phá để cố gắng, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân Chấp hành viên, cán bộ, công chức đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Những giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ có lộ trình thực hiện hết sức cụ thể.

Trong thực hiện nhiệm vụ, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh, Cục THADS TP Hà Nội, Ban chỉ đạo THADS huyện Mê Linh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành hữu quan liên quan và UBND xã các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thì Ban chỉ đạo THADS huyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp, kéo dài và những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là CQCA trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.