Hà Nội tăng cường sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường

PGĐ Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thời gian tới, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng Thủ đô cần áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững, qua đó, giảm thiểu phát sinh chất thải có nguồn gốc từ nhựa.
Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

Xu hướng tất yếu

Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Lựa chọn nền KTTH là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam, ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, xác định mục tiêu là thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển KTTH ở Việt Nam nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Để đạt được mục tiêu tổng quát nói trên, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng đã đề xuất các nhóm nội dung ưu tiên để triển khai thực hiện đến năm 2030, trong đó, mô hình KTTH được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, xuyên suốt trong các nhóm nội dung ưu tiên.

Hà Nội thúc đẩy phát triển bền vững

Theo kế hoạch đã đặt ra, năm 2022, TP Hà Nội sẽ tập trung các hoạt động nhằm hỗ trợ DN và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên, vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền KTTH và phát triển bền vững.

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên, vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các DN thân thiện môi trường.

PGĐ Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong năm 2022, Hà Nội phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm 3%-4% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất như: Dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. Phấn đấu 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Hà Nội phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Ngoài ra, TP sẽ xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng, với những tiêu chí đề ra, Hà Nội xác định phải đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững như tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại; tổ chức phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững... Thực hiện lồng ghép vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững vào các đề án, chương trình, kế hoạch như: Quản lý và phát triển hoạt động logistics, thương mại điện tử; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình khuyến công; Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 đề ra.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH nhằm xây dựng phát triển kinh tế bền vững là một xu hướng tất yếu, là một đòi hỏi mang tính thời sự trong thời đại kinh tế số. Từ đó, DN có cơ hội tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu và khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và tiêu dùng bền vững hướng đến xây dựng và phát triển nền KTTH.

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.