Nỗi day dứt của người mẹ là nữ phạm nhân

Sinh sống trong cái “rốn” tội phạm về ma túy, chứng kiến nhiều gia đình tan nát và đi tù vì cái chết trắng, đáng lẽ Vừ Thị Hoa, SN 1982, trú tại Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phải biết sợ, lấy đó là bài học răn mình. Nhưng không, cô đã đi vào vết xe đổ của nhiều đối tượng cộm cán trong bản, để rồi phải đối diện với bản án không hẹn ngày về...
Nhà trẻ ở trại nơi con của phạm nhân Vừ Thị Hoa được chăm sóc trước khi đủ tuổi gửi về gia đình
Nhà trẻ ở trại nơi con của phạm nhân Vừ Thị Hoa được chăm sóc trước khi đủ tuổi gửi về gia đình

Muốn vác ma túy để “bắt” chồng

Theo chia sẻ của phạm nhân Vừ Thị Hoa, thì cô là con thứ 7 trong gia đình có 10 anh chị em. Gia đình nghèo nhưng vì ở gần đồn biên phòng nên chị em Hoa may mắn được các chiến sỹ biên phòng dạy cho nên biết đọc, biết viết. Lớn lên từ khoai sắn nên chị em Hoa ai cũng đảm đang và thương yêu nhau. Nhưng rồi cơn bão ma túy với những lời rủ rê, vật chất mời mọc đã khiến Hoa xao lòng. Do không có tiền để mua đi bán lại, nên Hoa nhận lời đi xách ma túy thuê.

Những chuyến đi cắt rừng, có hôm phải ngủ qua đêm trong rừng ấy đã khiến cho cuộc sống vốn tẻ nhạt của Hoa trở nên phong phú. Từ chỗ không có người khác giới nào để tiếp xúc, Hoa đã có những cuộc tình chớp nhoáng. Nhưng rồi mối tình của những kẻ đặt cược cuộc sống của bản thân vào những chuyến đi đầy hiểm nguy rình rập ấy cũng chóng vánh như một hợp đồng miệng xách hàng thuê. Kết quả là mặc dù tiếp xúc với nhiều người khác giới nhưng cuối cùng Hoa vẫn là kẻ lẻ bóng.

Năm 2015, Vừ Thị Hoa bị bắt theo lệnh truy nã của CA huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khi cơ quan này mở rộng điều tra, phát hiện cô vác 5 bánh heroin từ bên kia biên giới về nước, cô đã phải nhận mức án chung thân về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, điều khiến cho Hoa đắng cay nhất là khi cô bị bắt thì cũng là lúc cô phát hiện đang mang trong mình hình hài bé nhỏ. Tâm sự, Hoa cho biết, đứa bé là kết quả của những chuyến đi xách “hàng” thuê với mong muốn sẽ “bắt” được chồng. Thế nhưng, chồng thì không thấy đâu, chỉ biết rằng cái thai trong bụng không biết cha nó là ai và những ngày dài trong tù đang treo lơ lửng trên đầu.

Mong con có cuộc sống tốt

Cũng theo lời Hoa thì trong thời gian giam cứu tại trại tạm giam, chờ ngày hầu tòa, Hoa cho ra đời một bé trai bụ bẫm. Theo quy định thì phụ nữ đang nuôi con nhỏ được hoãn thi hành án nhưng vì Hoa phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên cô không được hưởng đặc ân trên. Tuy nhiên, Hoa lại được hưởng chế độ thai sản nên ở nhà ôm con mấy tháng liền. Khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi, Hoa đưa con đến nhà trẻ, ở đây có các cô giáo là người được trại giam tuyển về chăm nuôi con phạm nhân.

Ngày Hoa sinh con, cô chẳng có gì ngoài tấm áo mặc hôm bị bắt. Các quản giáo phải chung tiền mua tã lót cho con Hoa. Về trại cải tạo, quần áo của con Hoa cũng được các phạm nhân có con nhỏ khác chia sẻ. Thương cô, nhiều cán bộ còn mang cả quần áo của con mình đã mặc cộc vào cho Hoa sử dụng.

Giờ đây, hơn 7 năm ở trong trại giam, con của Hoa cũng đã lớn và đã vào lớp 1. Hoa bảo rằng, đã gửi con về nhà cho gia đình chăm sóc, nhưng đôi khi nhớ con đến thắt ruột. Nhận bản án không hẹn ngày về, Hoa hiểu được nỗi khó khăn khi đối diện với 4 bức tường giam. Nhưng tất cả bây giờ không thể làm khác, bởi tội của Hoa, cô phải trả giá cho những lỗi lầm của mình.

Ở trong trại giam, do có mức án cao nên Vừ Thị Hoa cũng như bao phạm nhân khác, cũng phải làm việc, lao động trong xưởng dành cho người có mức án nghiêm trọng. Hoa bảo, công việc thì làm theo đơn đặt hàng của trại giam, lúc làm cói, lúc làm vàng mã và có dây chuyền làm may... Nhưng với cô, do có sức trẻ và được cán bộ hướng dẫn tận tình nên dù ở công việc nào cô cũng cố gắng học hỏi, để làm tốt nhất có thể. Vì thế, năng suất lao động của Hoa cũng rất tốt và đạt kết quả cải tạo khá.

Giờ đây, khi trải qua nhiều sóng gió, phạm nhân Vừ Thị Hoa bảo rằng, chỉ mong bố mẹ, các anh chị ở nhà nghe lời cán bộ, biết được tác hại của ma túy, để tránh xa nó. Để gia đình không rơi vào cảnh ly tán và mong các bác cũng khỏe mạnh, chăm sóc con giúp Hoa, mong sau này đứa con vừa là động lực để cô phấn đấu cải tạo, chuộc lại lỗi lầm và vừa là chỗ dựa của cô sau này về già. “Mong muốn như thế có lẽ rất tham và bất công cho con em. Nhưng em mong sau này lớn lên, con nó sẽ hiểu, tha lỗi cho mẹ và sẽ sống tốt...”, phạm nhân Vừ Thị Hoa chia sẻ thêm.

Nguyễn Vũ – Hạ My

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.