Giải đáp pháp luật

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày yêu cầu bồi thường (bao gồm: người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Gần đây tôi thấy một số trường hợp phạm tội hình sự được minh oan. Vậy, xin quý báo cho biết, thời hiệu yêu cầu bồi thường được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định như thế nào? Căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?

(Trần Minh Hải, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định:

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày yêu cầu bồi thường (bao gồm: người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự) nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

- Đối với yêu cầu phục hồi danh dự: không quy định thời hiệu.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo đó, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nam 2017. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ: (i) có một trong số các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nướ năm 2017; (ii) có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Nhà nước luôn được coi là một chủ thể của pháp luật công trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, bản chất quan hệ pháp luật của trách nhiệm bồi thường Nhà nước lại là một dạng quan hệ pháp luật dân sự. Là một dạng trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm của Nhà nước phải bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản, phục hồi danh dự cho Tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại xuất phát từ hành vi trái pháp luật của Người thực thi công vụ. Như vậy, trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Chủ thể có hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường và Chủ thể có trách nhiệm bồi thường là khác nhau.

Theo đó, chủ thể có hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước là Người thực thi công vụ. Song chủ thể có trách nhiệm bồi thường lại là Nhà nước. Trong khi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, về nguyên tắc chủ thể có hành vi gây thiệt hại cũng chính là người có trách nhiệm bồi thường (ngoại trừ những ngoại lệ như người gây thiệt hại là người chưa thành niên...).

Cũng chính vì thế, trong khoa học pháp lý, người ta cho rằng: Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một dạng trách nhiệm dân sự thay thế. Tức là người có hành vi trái luật và người có nghĩa vụ bồi thường là khác nhau, như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước đã tiến hành bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, tùy vào mức độ lỗi, người thực thi công vụ phải bồi hoàn lại một phần nhất định, và có thể phải chịu hình thức kỷ luật nhất định.

B.A

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.